Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 07 năm 2024,
Vượt qua đại dịch bằng sức mạnh từ tinh thần đoàn kết
Dương Ngân - 27/02/2022 08:07
 
Đoàn kết làm nên sức mạnh, quyết định sự tồn tại, phát triển của một tập thể, một dân tộc. Khi đại dịch Covid-19 ập đến, sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam một lần nữa tỏa sáng.
.
.

Đồng lòng viết nên lịch sử

Lịch sử dân tộc đã chứng minh, vào những thời điểm khó khăn nhất, đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh. Hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dù phải đối diện với kẻ thù lớn mạnh gấp nhiều lần, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng vẻ vang.

Khẳng định sức mạnh của tinh thần đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Còn nhà văn Nhật Bản, Ryunosuke Satoro cũng cho rằng: “Riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng ta là đại dương”.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam là hơn 24.000 người; ước tính có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó đã có người ra đi mãi mãi không trở về.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong bài phát biểu của mình, đã nói rằng, hơn 24.000 người thuộc ngành y tham gia chống dịch là hơn 24.000 bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Hiện nay, đất nước đang trải qua những ngày tháng khó khăn, khi dịch Covid-19 với các biến chủng mới bùng phát khắp nơi, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều “cuộc chiến” khác, càng ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo, tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu thương, đùm bọc giúp đỡ nhau của người Việt lại càng được phát huy, tỏa sáng.

Còn nhớ tháng 7/2021, đại dịch Covid-19 xâm nhập TP.HCM với biến chủng Delta nguy hiểm. Cả hệ thống chính trị cùng toàn dân, toàn quân, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc khắp mọi miền Tổ quốc đã Nam tiến để giúp đỡ người dân.

Hẳn ai trong chúng ta cũng không thể quên câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của hàng trăm y, bác sỹ để lên đường thực hiện sứ mệnh người thầy thuốc như nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (Bệnh viện Bạch Mai), bác sỹ Đình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ); hay cảm động khi nhiều người sợ gia đình lo lắng bản thân vào TP.HCM chống dịch đã phải “trốn” như vợ chồng bác sỹ Nguyễn Thị Huệ, Tạ Văn Thành (Bệnh viện Bạch Mai).

Tại những điểm nóng của dịch Covid-19, những chiến sỹ áo trắng tỏa đi muôn nơi, hiện diện ở mọi chiến tuyến, đâu cần là ở đó có đội ngũ y tế, từ các chốt kiểm dịch y tế, đội điều tra truy vết; từ các bệnh viện, khu cách ly tập trung, đến phòng xét nghiệm, cơ sở điều trị những người bệnh Covid-19… Đội ngũ chiến sỹ áo trắng đã viết nên trang sử mới của ngành y với những câu chuyện xúc động không thể nào quên.

Những con người ấy đã quên hiểm nguy để chữa bệnh cho đồng bào, đồng chí, nhất là trong giai đoạn đầu khi thiết bị y tế thiếu thốn, một bộ đồ bảo hộ mặc vào không dám thay ra đi vệ sinh, dù mồ hôi túa ra ướt sũng, chỉ vì tiết kiệm, sợ phải bỏ đi.

Theo GS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi dịch ở TP.HCM bùng mạnh, chiếc khẩu trang - trang bị đầu tiên cho nhân viên y tế phòng dịch, nhưng nhiều lô hàng không đúng chất lượng. Nếu không may sử dụng phải những chiếc khẩu trang không đạt chất lượng từ các nguồn khác nhau, khi ấy sức khỏe của nhân viên y tế sẽ bị đe dọa.

Trong tâm dịch Hải Dương, Đà Nẵng, Bắc Giang, hay TP.HCM và giờ là tại nhiều tỉnh, thành phố khác, những y, bác sỹ nơi tuyến đầu thường xuyên trong tình trạng quên ăn, quên ngủ, quên đi ngày tháng cũng như sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè đỏ lửa, quên đi nỗi sợ hãi dịch bệnh bủa vây, nhất là khi chứng khiến đồng nghiệp của mình nhiễm bệnh và ra đi mãi mãi, để giữ vững niềm tin chống dịch.

Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những bữa cơm hộp, cơm phần ăn vội ngay tại phòng trực trong bệnh viện dã chiến; những làn da khô sạm do mất nước, có người bước đi loạng choạng do làm việc quá sức. Vất vả là thế, hy sinh là thế, song tất cả đều không rời trận tuyến bởi một điều giản dị, các anh, các chị là lương y, là niềm tin cậy của người bệnh, đem lại hy vọng cho họ trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Những cán bộ ngành y tế không quản ngại gian khổ, nguy hiểm, sẵn sàng lao vào tâm dịch cứu chữa cho bệnh nhân
Những cán bộ ngành y tế không quản ngại gian khổ, nguy hiểm, sẵn sàng lao vào tâm dịch cứu chữa cho bệnh nhân

Phép thử của lòng tin

Dịch bệnh dù khắc nghiệt, mang tới nhiều mất mát, đau thương, song dịch bệnh xảy đến cũng là một phép thử của lòng người và cũng là một phép thử đối với bản lĩnh, phẩm chất, tinh thần đoàn kết của cả một quốc gia, dân tộc. Hơn 2 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, chưa bao giờ tinh thần đoàn kết của người Việt lại được nhắc đến nhiều như vậy. Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết đã, đang và sẽ được phát huy bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Còn nhớ năm 2020, khi Ðà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước, thành phố này đã đón nhận nhiều ân tình với những hỗ trợ của đồng bào mọi miền đất nước. Bắt đầu từ Ðà Nẵng, những bếp cơm nghĩa tình, những bữa ăn miễn phí, hàng ngàn chuyến xe thiện nguyện được các tổ chức, cá nhân vận động, kêu gọi, quyên góp đã không ngừng lan tỏa, nhân rộng tới các địa phương chịu tác động nặng nề của dịch bệnh như Hải Dương, Bắc Giang, TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Cũng bằng tinh thần quyết tâm, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, ở khắp nơi đã có rất nhiều người dân tích cực tự nguyện đăng ký tham gia các tổ Covid-19 cộng đồng tại địa phương; nhiều cán bộ y tế, lực lượng vũ trang đã về hưu, giáo viên, giảng viên, nhiều chức sắc, tu sĩ tôn giáo… đăng ký tình nguyện tham gia hỗ trợ cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bằng cả tấm lòng nhân ái, họ đã đến nơi nguy hiểm để hỗ trợ, sẻ chia góp sức cùng cộng đồng.

Hình ảnh những anh bộ đội Cụ Hồ không quản ngại ngày đêm, gian khổ làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, cần mẫn hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch; đi chợ, thu hoạch nông sản, phục vụ trong khu cách ly, canh gác các chốt kiểm dịch, cứu chữa người bệnh, chăm sóc em bé mồ côi, mai táng đồng bào tử vong do dịch bệnh bằng tất cả tấm lòng và trái tim chan chứa tình người, ghi dấu ấn mãi trong lòng nhân dân.

Hay các chiến sỹ công an không quản khó khăn gian khổ, thường xuyên duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các vùng dịch. Kể sao hết được những người cha, người mẹ suốt mấy tháng trời chỉ nghe thấy tiếng, chỉ nhìn thấy mặt con qua điện thoại; không ít cán bộ, chiến sĩ đã không thể về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ cũng sẵn sàng hoãn cưới, không thể ở nhà lúc vợ trở dạ, sinh con để hoàn thành mọi trọng trách mà nhân dân giao phó.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động để huy động các nguồn lực xã hội cùng góp sức, chung tay hành động đẩy lùi dịch Covid-19, chăm lo người dân gặp khó khăn. Nhiều mô hình sáng tạo chăm lo an sinh xã hội tại các địa phương của nhân dân được nhân rộng như “ATM gạo”, “ATM ôxy”, “Gian hàng 0 đồng”, “Siêu thị mini 0 đồng”, “Chợ nghĩa tình - Nghĩa tình tuổi trẻ”, “Bếp yêu thương”…

Trong cuộc chiến cam go và thử thách chống Covid-19, đã sáng lên bao tấm gương tập thể, cá nhân đi đầu trong lao động sản xuất, phòng chống dịch bệnh, tích cực tham gia các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh công nghệ, chuyển đổi số, góp phần hiệu quả vào công tác chống dịch.

Nhớ lại những câu chuyện nhường cơm sẻ áo trong cao điểm dịch Covid-19, bất kỳ người Việt Nam nào cũng tự hào về một xã hội ấm áp, lấp lánh tình người. Một trong những biểu tượng cao đẹp nhất cho tinh thần đoàn kết của dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là việc thành lập Quỹ Vắc-xin. Ngay sau khi được thành lập, Quỹ đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, của các cơ quan đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp.

Sau những gì đã trải qua trong đại dịch, chúng ta có lòng tin rằng, truyền thống đoàn kết, trái tim nhân ái của mỗi người Việt Nam trên khắp thế giới sẽ phát huy, lan tỏa trong những thời khắc khó khăn của đất nước. Đây sẽ là liều thuốc, là động lực quan trọng để chúng ta chiến thắng trong mọi nghịch cảnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Năm 2022: Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả, phục hồi, phát triển
Chính phủ ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư