Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vượt qua lo lắng, tôi đi tiêm vắc-xin
D.Ngân - 08/06/2021 16:09
 
Nếu nói rằng không lo lắng là không đúng, tôi đã trăn trở rất nhiều trước khi đặt bút đăng ký tiêm vắc xin-Covid-19.

Viễn cảnh trong mơ

Tôi cũng như nhiều người dân Việt Nam khác ở thời điểm hiện tại đang khá lo lắng bởi những phản ứng bất lợi sau tiêm vắc-xin Covid-19.

Sự việc một nữ nhân viên y tế 35 tuổi tại An Giang tử vong do sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn cảm với non steroid (NSAIDs) sau tiêm vắc-xin càng khiến tôi bất an. Dù cơ quan chức năng cho hay đây là trường hợp rất hiếm gặp song tôi sợ rằng biết đâu người không may lại là một trong chúng ta, không ai biết được.

Vượt qua lo lắng, nhiều người đã đi tiêm vắc xin vì lợi ích bản thân và cộng đồng.

Tìm hiểu nhiều nguồn thông tin tôi còn được biết vừa qua nhiều nước trên thế giới đã tạm ngừng tiêm vắc-xin Covid-19- loại mà Việt Nam đang tiêm do lo ngại các phản ứng đông máu sau tiêm. Dù Việt Nam, các chuyên gia và người đứng đầu ngành Y tế đều nhất loạt cho rằng trong tổng số gần hàng triệu liều vắc-xin đã được tiêm, chưa ghi nhận bất kỳ phản ứng đông máu nào.

Biết vậy song tôi vẫn không an tâm bởi hàng triệu liều chưa có song nếu rơi vào liều thứ 2.1 triệu hay 3 triệu, không ai dám chắc chắn.

Chưa kể, về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, dến chuyên gia cũng khẳng định không phải 100% người tiêm vắc-xin sẽ không mắc bệnh bởi thực tế cho thấy đã có nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mắc Covid-19 dù người này đã tiêm vắc-xin Covid-19 mũi đầu trước đó.

Dù tính toán thế nào tôi cũng chưa thấy được lợi ích mà trong khi đó những rủi ro mình gặp phải quá nhiều. Tôi đã do dự và chùn bước, tặc lưỡi cho hay, cứ đợi mọi người tiêm trước, mình sẽ chờ cho đến khi một vắc-xin tốt nhất, ít rủi ro nhất và hiệu quả bảo vệ cao nhất ra đời.

Suy nghĩ đó cứ luẩn quẩn trong đầu khiến tôi- một phóng viên y tế dù luôn viết bài tuyên truyền về công tác y tế về lợi ích khi tiêm vắc-xin lại là người lo lắng nhiều nhất.

Và rồi, đến ngày hôm qua khi chứng kiến cảnh người dân ở Ấn Độ phải bôi phân bò lên người với hi vọng cực đoan là phân bò có thể khiến họ chống lại virus gây bệnh tôi mới giật mình nhận ra nhiều điều.

Ai đọc được thông tin này đều chung cảm nhận cho rằng người dân Ấn Độ bôi phân bò là do họ thiếu hiểu biết, mù quáng song ở một khía cạnh nào đó tôi cho rằng có lẽ họ đã quá tuyệt vọng khi những ngày qua tại đây nguời chết còn không có chỗ chôn, các giàn hoả thiêu hoạt động hết công suất, sự tàn khốc của dịch bệnh đã khiến quốc gia Nam Á này chao đảo.

Nhìn về thực tế trong nước, tôi đã thấy những nhân viên y tế nhọc nhằn chống dịch trong những bộ đồ bảo hộ nóng bức, bí bách nhiều tháng, nhiều ngày không được về nhà với bữa cơm qua loa, giấc ngủ chập chờn.

Tôi đã thấy nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đối viện với nguy cơ mất việc làm, cuộc sống bếp bênh; người giáo viên mầm non khóc ròng vì trẻ em nghỉ học dài đồng nghĩa việc họ không được trả lương.

Chứng kiến dịch bệnh tấn công vào thành trì cuối cùng là các bệnh viện tôi đã thấy nhiều bệnh nhân nặng tại Bắc Giang đã phải từ giã cõi đời trong cảnh cô đơn vì không thể có một đám hiếu theo truyền thống.

Tôi đã thấy nhiều bệnh nhân có dấu hiệu bệnh mà không dám đi khám do lo sợ lây nhiễm dịch, hay có bệnh nhân trở nặng vì không được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những thiệt hại khác về kinh tế mà do không phải là chuyên gia kinh tế hay nhà phân tích tôi chưa thể nêu ra đầy đủ nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, sẽ còn nhiều hệ luỵ kinh hoàng khác sẽ diễn ra nếu dịch bệnh không được kiểm soát.

Nếu như trước kia tôi luôn mơ ước rất nhiều điều viễn vông thì khi trải qua các đợt dịch bệnh, ước mơ của tôi chỉ đơn giản là được thoải mái nói cười khi trên mặt không có chiếc khẩu trang; được tự do dạo phố, đi bộ, trà đá, cà phê, shopping với bạn bè, đồng nghiệp mà không phải nơm nớp lo sợ luẩn quẩn xung quanh là F0, F1.

Nhìn sang nước bạn, lần đầu tiên sau một năm dài, người dân Israel đã có cuộc sống dễ thở hơn nhờ thành công của chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, tôi bắt đầu mơ ước một Việt Nam an toàn trong đại dịch.

Qua một số bài bài báo quốc tế tôi được biết hiện đã có 4,98 triệu người dân Israel (tương đương 55% dân số) được tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin Pfizer, ngoài ra có khoảng 400.000 người được tiêm một mũi vắc-xin. Nếu tính cả những bệnh nhân từng mắc Covid-19 và hồi phục, nước này đã có hơn 60% dân số có khả năng miễn dịch.

Giới chức y tế vẫn nhắc nhở người dân rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc, song cuộc sống của người dân dần quay trở lại trạng thái trước khi có dịch, ám ảnh dịch bệnh cũng không còn căng thẳng như trước.

Và ngay cả các nhà dịch tễ học thận trọng nhất cũng khẳng định rằng Israel đã có thể nới lỏng trạng thái phòng dịch và từ đó cung cấp viễn cảnh cho cả thế giới về một cuộc sống sau đại dịch nếu có vắc-xin.

Trong khi đó, chỉ vài tháng trước đây, Israel là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới, một đợt bùng phát dữ dội đã khiến 6.300 người chết trong số 836.000 người mắc bệnh.

Tại Mỹ-quốc gia từng khiến thế giới lo lắng vì số ca mắc và tử vong tăng khủng khiếp trong năm 2020 giờ đây đã dần kiểm soát được dịch nhờ chiến dịch tiêm vắc-xin.

Theo CDC Mỹ, gần 109 triệu người (tương đương 32,8% dân số Mỹ) đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, trong khi đó 57% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 mũi. Nhiều gia đình tại Mỹ sau khi bị chia cắt vì đại dịch nay đã được đoàn tụ. Những cái ôm, bắt tay thân thiết của các thành viên trong gia đình nhiều người Mỹ như là minh chứng cho cuộc sống đang hồi sinh nơi đây.

Viễn cảnh ấy đã thay đổi suy nghĩ của tôi, khiến cho những lo lắng, bất an, sợ hãi nhường chỗ cho niềm tin, hi vọng vào một ngày khi tỉ lệ tiêm vắc-xin đạt đến mức miễn dịch cộng đồng, Covid-19 sẽ không còn đáng sợ.

Và hơn hết tôi cho rằng, nếu ai cũng lo lắng, đắn đo, sợ hãi như mình chúng ta sẽ không thể có được cuộc sống bình thường bởi dù dập được dịch ở giai đoạn này thì dịch vẫn bùng ở giai đoạn sau và làn sóng sau còn khốc liệt hơn làn sóng trước.

Thực tế đã chứng minh, làn sóng dịch thứ nhất, thứ hai, thứ ba bùng phát Việt Nam đều kiểm soát rất tốt, song vì nhiều nguyên nhân làn sóng thứ tư vẫn diễn ra, và ai dám nói sau làn sóng thứ tư, không còn làn sóng thứ năm, thứ sáu, thứ n…

Trải nghiệm nhẹ nhàng

Từ sự thay đổi suy nghĩ nêu trên tôi đã sáng suốt để nhận ra tiêm vắc-xin lợi ích thu được lớn hơn rất nhiều lần so với những rủi ro hay bất lợi và nếu có phản ứng bất lợi tôi sẵn sàng đón nhận và tin tưởng vào sự chuyên nghiệp, trình độ của các nhân viên y tế tại các cơ sở tiêm chủng đạt chuẩn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam có hệ thống 13.000 cơ sở tiêm chủng đảm bảo quy trình nghiêm ngặt đạt đủ điều kiện an toàn từ cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp nhận, phân phối, bảo quản và sử dụng vắc-xin, hướng dẫn khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn, theo dõi 30 phút sau tiêm, theo dõi tại nhà sau tiêm, hướng dẫn phác đồ xử trí phản vệ sau tiêm.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 bao gồm các chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử trí khi có tình huống xảy ra.

Người đứng đầu ngành Y tế cũng nhiều lần khẳng định trong số gần hàng triệu liều vắc-xin đã tiêm có 16% ghi nhận phản ứng thông thường. Rất nhiều anh, chị em đồng nghiệp và bạn bè tôi sau tiêm đều cho hay cảm giác tiêm chỉ như kiến cắn, vết tiêm có thể sưng nhẹ, cơ thể có thể tăng nhiệt độ, người hơi mỏi mệt song đều là những phản ứng thông thường, không bằng một cơn cảm lạnh.

Nghe phần trả lời ấy tôi đã an tâm phần nào và sự quyết tâm càng được củng cố khi một nhóc em thân thiết đã chia sẻ cảm giác sau tiêm với tôi. Cô bé cho rằng, trải nghiệm sau tiêm khá ổn, em không bị sốt cao, hơi mệt, chỉ bị hơi sưng chỗ tiêm và mỏi cánh tay tiêm. Ngày thứ hai em hơi mệt và ngày thứ ba hoàn toàn bình thường.

Một số anh, chị đồng nghiệp của tôi tại nhiều tờ báo gặp phản ứng sau tiêm nhiều hơn như sốt 38,5 độ, mỏi mệt, đau đầu, ngứa do cơ địa dị ứng và có một em phóng viên đã có chỉ định cần ở lại Bệnh viện theo dõi 24h sau tiêm, hết thời gian theo dõi, em lại quay về cơ quan làm việc bình thường.

Điều này trùng khớp theo lý giải của các chuyên gia tiêm chủng hàng đầu trong nước về phản ứng có thể xảy ra sau tiêm vắc xin. Bên cạnh đó nhờ vào sự phân tích của chuyên gia tôi cũng được biết rằng, không phải mình tiêm vắc-xin là sẽ triệt để không mắc, vẫn có một tỉ lệ nhất định người đã tiêm vẫn bị virus tấn công.

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung, kể cả khi mắc, tình trạng bệnh cũng được giảm rất nhiều, không bị thể nặng và không đối diện nguy cơ tử vong.

“Sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt mức 50 - 70%. Ở liều thứ 2, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%. Cho đến thời điểm này, theo TS. Thái, vắc-xin được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ hai mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong”, chuyên gia cho hay.

Hiểu cặn kẽ, kỹ càng về tiêm vắc-xin và các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra, tôi vẫn lựa chọn tiêm vắc-xin và tôi cũng không ngại khi chia sẻ những cảm giác tôi đã trải qua và lựa chọn của bản thân.

Tờ danh sách mà Bộ Y tế gửi cho phóng viên để tiêm vắc-xin đã có tên tôi và tôi cho rằng cũng có nhiều người cũng giống tôi, sẵn sàng tiêm vắc-xin vì lợi ích bản thân và cùng là góp viên gạch vào bức tường thành chống lại cơn ác mộng mang tên Covid-19.

Agribank ủng hộ 60 tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19
Tại lễ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, Agribank ủng hộ 60 tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 với mong muốn sớm đưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư