Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
WB công bố Khung đối tác quốc gia Việt Nam giai đoạn 2017-2022
 
Ngày 14/9, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Công bố Khung đối tác quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2017-2022.
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione trao sách công bố Khung đối tác Quốc gia cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione trao sách công bố Khung đối tác Quốc gia cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phát biểu tại Lễ Công bố, ông Ousmane Dione, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa, bao gồm đẩy mạnh tăng trưởng, đạt trình độ công nghiệp hóa cao hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam chính là minh chứng cho thấy quyết tâm đạt thành tích cao nhất, nhưng muốn đạt được kết quả như vậy đòi hòi phải điều chỉnh cả phương pháp và công tác triển khai.

Trong giai đoạn thực hiện Khung đối tác quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2017-2022, ông Ousmane Dione nhấn mạnh, Nhóm Ngân hàng Thế giới vinh dự sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình củng cố vị thế của một nước thu nhập trung bình thành công và tạo tiền đề để trở thành một nước thu nhập cao.

Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tạo tác động mang tầm chiến lược. Ngân hàng Thế giới sẽ huy động tất cả các thể chế nhằm tạo chuyển biến chiến lược như cho vay, đối thoại chính sách, phân tích, tư vấn hay bảo lãnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam vẫn đang kiên định, nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh.

Từ đó tạo ra nguồn lực thực hiện mục tiêu về phát triển xã hội, bảo tồn, tái tạo môi trưởng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới với các cơ quan liên quan của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, Khung đối tác quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2017-2022 sẽ hiện thực hóa được mục tiêu, khát vọng phát triển của Việt Nam không chỉ trong giai đoạn 5 năm mà trong nhiều thập kỷ tới, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, gắn liền với tăng trưởng toàn diện, phát triển con người và tri thức, phát triển khu vực tư nhân, cải thiện hiệu quả quản trị nhà nước, phát triển bền vững và sức chống chịu về môi trường.

Khung đối tác quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2017-2022 hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2021 của Việt Nam và mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bền vững môi trường, thúc đẩy bình đẳng, nâng cao năng lực, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Khung đối tác mới này tiếp tục phát huy những hỗ trợ sẵn có và mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phối hợp, bổ trợ với các đối tác phát triển khác, huy động thêm các nguồn lực khác phục vụ phát triển. Bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm: phát triển bao trùm, sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; đầu tư vào con người và tri thức; bền vững môi trường, năng lực ứng phó; quản trị tốt.

Khung đối tác quốc gia sẽ được thực hiện với sự tham gia đáng kể của chính quyền địa phương, sẽ thử nghiệm và áp dụng cách tiếp cận đa ngành theo vùng, quan tâm giải quyết, lồng ghép vấn đề giới thông qua một loạt các hình thức gồm hỗ trợ tư vấn, phân tích, đối thoại chính sách, cho vay và lập các đối tác chiến lược.

Khung đối tác quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2017-2022 được soạn thảo dựa trên các kết quả phân tích trong báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ; báo cáo Đánh giá Quốc gia Việt Nam 2016 và đề ra một số các chuyển hướng chiến lược gồm có Hỗ trợ toàn diện nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân và sự tham gia của kinh tế tư nhân vào các ngành kinh tế; phấn đấu đảm bảo bền vững tài chính các dịch vụ công và các chính sách xã hội; hỗ trợ giảm nghèo nhóm dân tộc thiểu số nhờ các hoạt động tạo việc làm và thu nhập; hỗ trợ đa ngành nhằm tăng cường mối liên kết giữa giáo dục, đào tạo và thị trường lao động; thúc đẩy, khuyến khích sản xuất điện với mức phát thải các-bon thấp.

Trong giai đoạn tới, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) sẽ hỗ trợ bằng hình thức đầu tư và tư vấn, huy động nguồn vốn dài hạn cho các khoản đầu tư mang lại lợi ích kinh tế-xã hội lớn, hỗ trợ sự phát triển thị trường vốn và các nguồn vốn tư nhân khác.

Tổ chức Tài chính Quốc tế sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành chủ chốt như tài chính, hạ tầng, công nghiệp chế tạo và năng lượng nhằm kết hợp kinh nghiệm quốc tế với sự thông hiểu tình hình tại chỗ nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, qua đó đạt hiệu quả đầu tư, lợi ích xã hội cao nhất.

Thông qua các sản phẩm bảo hiểm rủi ro chính trị, tăng cường tín dụng truyền thống, Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA) sẽ bổ sung thêm cho các khoản vay của Ngân hàng Thế giới bằng cách huy động đầu tư tư nhân, giúp chính phủ và có thể cả các doanh nghiệp nhà nước vay thương mại.

Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương cũng sẽ hỗ trợ các dự án khác của Nhóm Ngân hàng Thế giới hoặc trong các lĩnh vực mà Nhóm Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ nếu phù hợp.

WB tài trợ 300 triệu USD giúp Việt Nam kết nối giao thông và bảo vệ rừng
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết vừa phê duyệt một khoản tài trợ 300 triệu USD giúp Việt Nam tăng cường kết nối giao thông ở những vùng nông thôn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư