Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam
Anh Ngọc - 31/10/2020 13:21
 
Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đồng bộ.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam.

Trong bối cảnh hệ thống đường sắt quốc gia còn lạc hậu, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có và phát triển các tuyến đường sắt mới, đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết.

Bên cạnh những kết quả thực hiện nêu trong dự thảo Báo cáo, hệ thống đường sắt đô thị đã và đang được triển khai đầu tư, một số đoạn tuyến gần cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đưa vào hoạt động như tuyến Bến Thành - Suối Tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Nhổn - ga Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đồng bộ. Ngành Giao thông vận tải tập trung cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có như tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...; xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch; nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch, đường sắt nối với các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt kết nối quốc tế; đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là xương sống của chiến lược.

Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với các địa phương chuẩn bị đất đai, mặt bằng phục vụ xây dựng các tuyến đường sắt; đồng thời chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là việc làm chủ công nghệ tiên tiến, huy động hiệu quả nguồn lực.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cần được nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến của các chuyên gia, tư vấn, nhà khoa học, so sánh để lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ, suất đầu tư, huy động vốn... Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được thẩm định theo đúng quy định pháp luật, Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội khóa XV và chuẩn bị triển khai tốt các bước tiếp theo.

Trên cơ sở đó và để bảo đảm chất lượng báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục hoàn thiện hai đề án về Tổng kết việc thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam và Chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; báo cáo Bộ Chính trị cho phép lùi thời hạn trình hai đề án trên.

Đề xuất Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam vốn 58,7 tỷ USD
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam sẽ khai thác riêng tàu khách với chiều dài 1.545 km, vận tốc tối đa có thể lên tới 350 km/h.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư