Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Bộ GTVT chủ trì chuẩn bị báo cáo Quốc hội các dự án đường sắt đô thị
Anh Minh - 02/10/2020 22:42
 
Việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị của UBND Tp. Hà Nội và UBND Tp.HCM sẽ do Bộ GTVT đảm nhận.
Đoàn tàu của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy thử ở Nhật Bản - Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.
Đoàn tàu của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy thử ở Nhật Bản - Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

Theo đó, với vai trò, chức năng quản lý nhà nước về GTVT trong phạm vi cả nước, để thống nhất cơ quan báo cáo Quốc hội các dự án đường sắt đô thị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Tp. Hà Nội, UBND Tp.HCM chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm (kể từ năm 2020) về tình hình tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị do 2 thành phố là cơ quan quyết định đầu tư.

Theo quy định phải gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị UBND Tp. Hà Nội, UBND Tp.HCN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương gửi báo cáo để báo cáo Quốc hội về Bộ GTVT Giao thông vận tải trong ngày 1/102020.

“Bộ GTVT rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ trong ngày 2/10/2020. Các cơ quan chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thông tin, số liệu và tiến độ báo cáo”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Hiện cả nước có 6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai đầu tư, trong đó có 2 dự án do UBND Tp.HCM làm chủ đầu tư; 2 dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và 2 dự án do UBND Tp.Hà Nội làm chủ đầu tư, cụ thể như sau:

-          Dự án đường sắt đô thị Tp. HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên do Ban QL Đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 19,7km (2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao) với 14 ga (3 ga ngầm, 11 ga trên cao); tổng mức đầu tư 43.757,15 tỷ đồng. Khởi công tháng 8/2012, kế hoạch hoàn thành Quý IV/2021, hỗ trợ vận hành bảo dưỡng 5 năm.

-          Dự án đường sắt đô thị Tp.HCM, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương do Ban QL Đường sắt đô thị Tp. HCM làm chủ đầu tư có chiều dài dự án 11,322km (gồm 9,315km đi ngầm, 0,232km chuyển tiếp, 0,778km đi trên cao và 0,997km nối vào ga depot) với 10 ga ngầm, 1 ga trên cao; tổng mức đầu tư 47.890,84 tỷ đồng (tương đương 2.093,59 triệu USD). Dự án được khởi công tháng 8/2010, kế hoạch hoàn thành năm 2026.

-          Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài là 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu depot; tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỷ đồng (868,04 triệu USD). Dự án được khởi công tháng 10/2011, kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác thương mại năm 2020.

-          Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) do  Ban QL đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 12,5 km; tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng này được khởi công tháng 9/2010, hoàn thành năm 2018, đã điều chỉnh đến cuối năm 2022.

-          Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến số 1) giai đoạn I do Bộ GTVT làm chủ đầu tư gồm việc xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi trên diện tích khoảng 151,8ha; tổng mức đầu tưđiều chỉnh là 19.046 tỷ đồng, thời gian thực hiện là năm 2017 - 2024.

-          Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài là 11,5km; TMĐT là 19.555 tỷ đồng (trong đó: Vốn ODA vay JICA là 16.485 tỷ đồng; vốn đối ứng là 3.079 tỷ đồng); thời gian thực hiện: 2009-2020, dự kiến thời gian bảo dưỡng là 5 năm (dự án đang điều chỉnh tiến độ).

[Infographic] 5 tuyến đường sắt đô thị đội vốn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tiến độ thi công của cả 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đội vốn, chậm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư