Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Xây dựng cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển đại học đổi mới sáng tạo
Kỳ Thành - 16/05/2024 18:26
 
Việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ tới đây sẽ đón bắt được những xu hướng đổi mới giáo dục đại học của thế giới, trong đó có đại học đổi mới sáng tạo, đại học khởi nghiệp ở Việt Nam.

Ngày 16/5, tại Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 với chủ đề “Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển Đại học định hướng đổi mới sáng tạo”.

Đây là sự kiện thường niên do Đại học Quốc gia Hà Nội giao Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (VNUCSK) tổ chức, nhân kỷ niệm ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5) và thực hiện Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 thu hút sự quan tâm của đông đảo đại diện đến từ các bộ, ngành, trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. (Ảnh: Đức Trung)

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong trường đại học chưa đáp ứng yêu cầu

Phát biểu tại sự kiện TS. Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được Đảng, Nhà nước ta xác định là động lực, một trong những đột phá chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia, các trường đại học đóng vai trò trụ cột, tiên phong đi đầu thông qua các sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, tại Việt Nam, trong những năm qua, bức tranh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học đã có bước chuyển biến ban đầu tích cực, số công bố quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học đã tăng hơn gấp đôi sau 5 năm, góp phần đưa xếp hạng khu vực, quốc tế của các trường tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế, thì sự phát triển giáo dục đại học nói chung và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong trường đại học nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này có nguyên nhân từ cơ chế chính sách và nguyên nhân từ ý thức về vai trò khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển nhà trường của chính các trường.

Nhằm phát triển, kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao từ phía các viện, trường, các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cơ bản hình thành Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện, Trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; các mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính.

Trong đó, NIC đã tham gia thành lập và bảo trợ Mạng lưới Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng (nay đổi tên là Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI). Cho đến nay, ngoài việc mở rộng và tăng nhanh chóng số lượng đơn vị thành viên từ 13 lên 50 đơn vị thành viên chỉ trong chưa đầy 2 năm hoạt động, Mạng lưới cũng đã phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa và có tác động tích cực, lan tỏa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Đức Trung)

Khẳng định đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ĐHQGHN đang định hướng phát triển theo mô hình đại học đổi mới sáng tạo để nâng cao vị thế và kiến tạo giá trị mang bản sắc ĐHQGHN, đóng góp cho sự phồn thịnh của xã hội.

Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu: Đến năm 2025, thuộc nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á hoặc nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới; đến năm 2030 thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới. Với mục tiêu đó, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trương đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN đạt tiêu chí của đại học đổi mới sáng tạo; thiết lập hệ sinh thái nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp; hoàn thiện mô hình quản trị đại học, xây dựng một đại học thông minh, đổi mới sáng tạo bằng việc áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt có tính đột phá để thúc đẩy các yếu tố đổi mới sáng tạo ở Đại học Quốc gia Hà Nội, nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực sáng tạo của người học.

Cần có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động chuyển giao công nghệ

Đưa ra những nhận định quan trọng trong chiến lược phát triển Đại học đổi mới sáng tạo, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo cho biết, để có đại học thế hệ thứ 3 (Đại học Đổi mới sáng tạo), châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đã có nền tảng và kinh nghiệm gần 200 năm phát triển đại học nghiên cứu (thế hệ thứ 2), trong lúc đó Việt Nam chúng ta mới chỉ có kinh nghiệm xây dựng đại học "định hướng nghiên cứu" trong khoảng 10 năm trở lại đây, do vậy cũng đặt ra nhiều thách thức cho các trường đại học.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, đại học đổi mới sáng tạo chỉ được hình thành và phát triển khi đã đạt được điểm tới hạn (critical mass) của nó. Đó là nền tảng của đại học có năng lực nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ, Đào tạo - Nghiên cứu - Công nghệ phải phát triển song hành.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK Holdings, Chủ tịch mạng lưới VNEI cho rằng, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ từ trường Đại học ra thị trường là một yếu tố quan trọng đối với sự đổi mới và phát triển của nền kinh tế. Chính sách hỗ trợ trong việc tạo điều kiện cho việc này là cực kỳ quan trọng.

“Cần có các cơ chế và chính sách linh hoạt và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ để khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn trong sản xuất và kinh doanh”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng đề nghị cần tạo ra các quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án chuyển giao công nghệ, cùng với việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu và sinh viên có ý tưởng sáng tạo. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường Đại học, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để tạo ra một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sự chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả nhất.

Theo TS. Tạ Đình Thi, việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ tới đây cần được xem xét tổng thể những vấn đề nêu trên, đồng thời phải đón bắt được những xu hướng đổi mới giáo dục đại học của thế giới, trong đó có đại học định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đại học khởi nghiệp, chú trọng tinh thần, năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp người học, xây dựng một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới làm chủ và tự cường.

Lễ ra mắt Ban điều hành Mạng lưới đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học - Cao đẳng Việt Nam (VNEI) và Trao quyết định kết nạp các thành viên mới của VNEI tại Diễn đàn. (Ảnh: Đức Trung)

Cũng tại Diễn đàn, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát động các chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ RnD to Startup 2024, Chương trình Ươm tạo và thương mại hóa sản phẩm công nghệ VNU X-Sience, Chương trình Hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học VNU-IP.

Cùng với đó là lễ ra mắt Ban điều hành Mạng lưới đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học - Cao đẳng Việt Nam (VNEI); Trao quyết định kết nạp các thành viên mới của VNEI.

Doanh nghiệp tìm kênh để phát triển nguồn nhân lực về đổi mới, sáng tạo
Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội (HBA) và Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư