Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020: Dự kiến GDP tăng 6,8%
Như Chính - 27/06/2019 07:10
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ra chỉ thị 16/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó nêu rõ 8 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

GDP năm 2020 đạt khoảng 6,8%

Chị thị nêu rõ mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 là tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; đổi mới đồng bộ giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; phát triển bứt phá thị trường trong nước; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm và các đô thị lớn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đối khí hậu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020; tăng cường công tác thông tin truyền thông hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc và tinh thần đổi mới, sáng tạo, năng động, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển đất nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

8 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra 8 định hướng và nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

1- Điều hành đồng bộ các chính sách vĩ mô, phối hợp chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại; giá và các chính sách khác, thực hiện nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh;

2- Đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển;

3- Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân;

4- Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ khung khổ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và các nguồn xả thải; tập trung xử lý rác thải đô thị, nông thôn, nhân rộng mô hình xử lý rác thải hiệu quả, bền vững; thực hiện nghiêm quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học...

5- Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

6- Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp;

7- Tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển;

8- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông và công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy niềm tin và khát vọng của dân tộc...

Nhiệm vụ xây dựng Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, trên cơ sở đánh giá sát tình hình thu ngân sách nhà nước các năm 2016-2018 và ước thực hiện năm 2019; đồng thời phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước, đặc biệt là những nhân tố tác động làm thay đổi tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư, phát triển của doanh nghiệp và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2020; tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; phát hiện và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường xử lý nợ đọng thuế.

Phấn đấu tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước năm 2020 đạt khoảng 19-20% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức và lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) năm 2020 bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 10-12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019.

Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 phù hợp với các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số 25/2016/QH14, số 26/2016/QH14, số 71/2018/QH14 của Quốc hội, gắn với việc triển khai các Nghị quyết số 18- NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII), Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII); tiếp tục quán triệt yêu cầu công khai, minh bạch và thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2020; chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng: GDP có thêm 162 tỷ USD nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, Diễn đàn về phát triển hạ tầng số, xây dựng và phát triển dữ liệu mở, thanh toán không dùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư