Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Xây nhà công vụ như lo chỗ ở cho người giàu?
Mạnh Bôn - 10/09/2014 14:23
 
() Cho ý kiến vào Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, Đại biểu Lê Đình Khanh (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, việc tiếp tục xây dựng nhà ở công vụ như trong Dự thảo chẳng khác gì lo nhà ở cho người giàu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vì sao đề xuất "khai tử" hơn 1.000 sàn BĐS?
"Mở" cho người nước ngoài mua nhà nhưng phải "quản" được!
Vẫn đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn
Luật Nhà ở đang "đá nhau" với Luật Kinh doanh BĐS
Bộ Xây dựng đang "đẽo cày giữa đường"?

“Điều này gây bất bình đẳng trong xã hội, khiến lòng tin của người dân vào cán bộ, vào chính sách của Nhà nước bị xói mòn”, ông Khanh nói.

  Xây nhà công vụ như lo chỗ ở cho người giàu?  
  Đại biểu Lê Đình Khanh (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội
tỉnh Hải Dương)
 

Theo Luật Nhà ở mới nhất, có 5 đối tượng được thuê nhà ở công vụ, gồm cán bộ lãnh đạo thuộc diện ở nhà ở công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ; cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được điều động, luân chuyển; sĩ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp được điều động, luân chuyển; giáo viên và nhân viên y tế được điều động, luân chuyển đến công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

Ông Khanh cho rằng, ở cấp Trung ương chỉ nên lo nhà ở công vụ cho những đối tượng thuộc diện bảo vệ đặc biệt (ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng), còn ở cấp địa phương chỉ nên lo nhà ở công vụ cho những người luân chuyển công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

Tất cả các đối tượng khác để họ tự lo nhà ở, vì những người luân chuyển công tác đều có thâm niên làm việc, có thu nhập, thậm chí có thu nhập cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân của xã hội nên để họ tự lo được chỗ ở.

“Nếu chúng ta lo nhà ở cho cả đối tượng này, tại sao chúng ta không nghĩ đến hàng năm có hàng trăm ngàn lượt người thi vào công chức, viên chức, họ không những rất mong muốn được làm việc tại khu vực nhà nước, mà nhiều người còn mất tiền, thậm chí rất nhiều tiền để được làm “người nhà nước”. Nhưng không ai khi đi thi tuyển lại đặt vấn đề về chỗ ở, cũng không cơ quan nhà nước nào khi tuyển dụng lại đặt vấn đề lo nhà ở công vụ trong khi đối tượng này do mới ra trường nên thu nhập thấp hơn rất nhiều so với cán bộ luân chuyển công tác từ nơi nọ đến nơi kia”, ông Khanh nói.

Lấy thực tế ở địa phương mình (Hải Dương), ông Khanh cho biết, có rất nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học từ huyện lên thành phố hoặc từ thành phố xuống huyện, từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, từ huyện nọ sang tỉnh kia để thi tuyển với hy vọng được vào làm việc tại khu vực nhà nước và không một ai đặt vấn đề về nhà ở công vụ khi trúng tuyển.

Còn trên thực tế của cả nước, ông Khanh cho biết, rất nhiều cán bộ được phân nhà ở công vụ, sau một thời gian sử dụng tìm cách mua nhà hóa giá và bán lại thu hàng chục tỷ đồng.

“Tình trạng này đã và đang làm mất công bằng xã hội, làm mất lòng tin của người dân với cán bộ, kỷ cương phép nước bị xói mòn vì người dân không còn tin vào chính sách nữa”, ông Khanh nói thêm.

Hà Nội là địa phương có nhiều nhà công vụ nhất cả nước và cũng từ thực tế của Hà Nội, Đại biểu Chu Sơn Hà chỉ ra bất cập trong chính sách cho thuê nhà công vụ.

“Hiện giá nhà công vụ cho cán bộ thuê ở Hà Nội là 600.000 đồng/100m2/tháng, tính ra là mỗi m2, hàng tháng cán bộ phải trả 6.000 đồng, chỉ bằng 1/4 giá nhà mà công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài thuê. Trong khi ai cũng biết chất lượng nhà ở, cơ sở hạ tầng, môi trường sống giữa nhà ở công vụ của cán bộ và nhà mà người công nhân thuê để ở cách nhau một trời, một vực”, ông Hà chỉ ra sự bất bình đẳng.

Đồng tình với quan điểm chỉ lo nhà ở công vụ cho cán bộ lãnh đạo cao cấp cần phải bảo vệ đặc biệt - được ông Hà ví như “tài sản quốc gia” và nhà ở cho cán bộ, viên chức luân chuyển về công tác tại vùng đặc biệt khó khăn còn tất cả các đối tượng khác để họ phải tự lo nhà ở, ông Hà phân tích thêm:

“Những người luân chuyển từ huyện lên tỉnh, từ đô thị nhỏ lên đô thị lớn, ngoài thu nhập cao hơn mức bình thường, họ và thậm chí vợ/chồng con cái họ còn được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi khác, nên dứt khoát không lo nhà ở công vụ cho đối tượng này”.

Nhìn vào chính sách nhà ở công vụ trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ví von: “Chính sách này rất lấp lánh”.

Không chỉ ra trường hợp cụ thể biến nhà công vụ thành nhà tư, thậm chí biến biệt thự công thành tư gia, nhưng ông Tiến cho rằng, hiện có không ít “tài sản quốc gia” đã biến nhà công vụ được Nhà nước giao cho để sử dụng trong thời gian công tác thành nhà riêng, không ở thì cho thuê để kiếm tiền. Và khi hết nhiệm kỳ, “tài sản quốc gia” về quê hoặc chuyển đến nơi khác sinh sống, thì thay vì việc trả lại nhà công vụ cho Nhà nước lại cho người thân tiếp tục sinh sống hoặc bán đi “lấy tiền bỏ ống”.

“Trong khi đó, hàng triệu công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đang ngày đêm làm việc, tạo của cải cho xã hội, làm giàu cho đất nước, nhưng đang phải thuê nhưng căn nhà cấp bốn sập xệ, thiếu thốn đủ mọi bề, chưa kể hàng ngày phải đối mặt với tệ nạn xã hội, mất trật tự an ninh và mất an toàn xã hội”, ông Tiến so sánh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư