Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên không được miễn thuế
H.Minh - 26/09/2013 07:49
 
Trước đề nghị được miễn thuế nhập khẩu linh kiện và xe nguyên chiếc với các loại xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) của TP.HCM và Bình Dương, cơ quan chức năng đã kiên quyết nói không. Công nghiệp ô tô nhọc nhằn vì chậm nội địa hóa

Thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông cho thấy, TP.HCM hiện có 28 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG, giúp giảm phát thải 20% khí CO2; 75% khí NOx; gần 65% khí CO và hơn 60% khí HC ra môi trường; đồng thời, tiết kiệm 30 - 40% chi phí nhiên liệu.

Bởi vậy, nếu triển khai 350 xe buýt chạy CNG từ nay tới năm 2015, lượng phát thải trong hoạt động vận tải tại TP.HCM sẽ được giảm đáng kể.

Bộ Tài chính không ủng hộ đề nghị miễn thuế vì cho rằng, xe buýt trên 30 chỗ trong nước đã sản xuất được

Theo kế hoạch, Tổng công ty Cơ khí giao thông Sài Gòn (SAMCO) sẽ sản xuất 300 xe buýt sử dụng CNG, thực hiện từ ngày 30/9/2013 đến tháng 10/2015, trên nền xe Chassis nhập khẩu, một phần linh kiện nhập khẩu (43 mục) và phần còn lại là linh kiện trong nước (368 mục).

Bộ Tài chính cho biết, để nhận được các ưu đãi của Thông tư 185/2012/TT-BTC, dự án phải được UBND TP.HCM phê duyệt trong giai đoạn 2012 - 2015 và trong văn bản phê duyệt, phải nêu rõ thời gian thực hiện dự án; số lượng, chủng loại, chất lượng và giá trị linh kiện phụ tùng cần nhập khẩu được ưu đãi miễn thuế.

Với các linh phụ kiện nếu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được (đối chiếu quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT, thì sẽ được miễn thuế).

Tuy nhiên, dự án sản xuất 300 xe buýt sử dụng CNG không được miễn thuế nhập khẩu đối với Chassis (khung gầm đã gắn động cơ), bởi đây là loại đã có thể tự vận hành được, không phải là phụ tùng, linh kiện và không được miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, phụ tùng, thiết bị phục vụ công tác bảo trì sửa chữa xe buýt (CNG) trong nước (cả 2 vấn đề này đều không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư 185/2012/TT-BTC).

Bình luận về câu chuyện trên, đại diện một doanh nghiệp ô tô cho hay, hiện trong nước có rất nhiều doanh nghiệp đã sản xuất xe buýt từ các chi tiết, linh kiện nhập khẩu kết hợp nội địa hóa.

Tuy nhiên, do thị trường trong nước cầu không nhiều so với cung, nên hoạt động của các dây chuyền sản xuất xe buýt khá cầm chừng.

“Rất có thể đề nghị này lại dựa trên thực tế đối tác nước ngoài bán hàng không có bộ khung gầm riêng biệt chưa gắn động cơ và nếu phải dỡ ra riêng biệt, thì rất phức tạp. Nhưng nếu cho nhập khung gầm có gắn sẵn động cơ và miễn thuế nhập khẩu, thì không công bằng với các đầu tư đã có của doanh nghiệp trong nước”, doanh nghiệp này nhận xét.

Ở một khía cạnh khác, Bộ Tài chính không ủng hộ đề nghị miễn thuế nhập khẩu xe buýt nguyên chiếc chạy CNG của UBND tỉnh Bình Dương để phục vụ triển khai đề án giao thông công cộng Thành phố mới Bình Dương, vì cho rằng, xe buýt trên 30 chỗ là chủng loại xe trong nước đã sản xuất được, có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc miễn thuế nhập khẩu cho 30 xe buýt chạy CNG tại Bình Dương sẽ tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp và địa phương khác trong việc xin miễn thuế tùy tiện và có khả năng ảnh hưởng đến mục tiêu sản xuất xe buýt chạy CNG trong nước, cũng như khả năng gian lận với xe buýt thông thường khác khi nhập khẩu.

Ô tô nội tiếp tục xin ưu đãi
Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) vừa đề nghị Chính phủ một số cơ chế ưu đãi để hỗ trợ việc thực hiện nội địa hóa tại doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư