Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xe máy vẫn lấn sân, phủ sóng
Minh Hoàng - 02/10/2018 15:15
 
Xe máy vẫn đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo của đa phần người dân Việt Nam từ nay tới năm 2030.

Lúng túng quản xe máy

Nghiên cứu về vai trò của xe máy trong hiện tại và tương lai tại Việt Nam được thực hiện bởi TS. Vũ Anh Tuấn đến từ Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức (Trường đại học Việt Đức) đã cho thấy, xe máy hiện đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với mọi đối tượng. Không những thế, tới năm 2030 và những năm tiếp theo, dù thu nhập tiếp tục tăng, nhưng xe máy sẽ vẫn được sử dụng nhiều.

Xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân Việt Nam từ nay tới năm 2030
Xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân Việt Nam từ nay tới năm 2030

Nghiên cứu này được thực hiện trong tình cảnh các đô thị, thành phố tại Việt Nam dường như còn khá lúng túng trong việc ứng xử với xe máy. Hàng loạt giải pháp để quản lý loại phương tiện này như hạn chế hay cấm đã được đưa ra, nhưng gây tranh cãi và quan ngại về tính khả thi cũng như hiệu quả thực sự của từng giải pháp.

Trên thực tế, trong điều kiện kết cấu hạ tầng đường sá còn kém phát triển, mức thu nhập cá nhân còn khá thấp và các dịch vụ giao thông công cộng ở các tỉnh, thành phố vẫn còn rất khiêm tốn, đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu đi lại của người dân, ngoại trừ Hà Nội và TP.HCM, xe máy vẫn được xem là lựa chọn tối ưu. 

Ngay cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mặc dù có hệ thống đường sá phát triển nhất nước, hệ thống giao thông công cộng đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại, nhưng mật độ đường trên diện tích đất và số lượng xe buýt cho 1 triệu dân vẫn thấp hơn nhiều lần so với các thành phố châu Á khác. 

Cụ thể, ở Hà Nội trung bình 1 ha chỉ có 50 m đường, trong khi các thành phố châu Á là 100 - 150 m/ha; mức cung cấp xe buýt ở Hà Nội là 300 xe/1 triệu dân, trong khi trung bình của các thành phố châu Á là 1.000 -1.500 xe/1 triệu dân. 

Thực trạng này nếu kèm theo việc xây dựng, mở rộng các mạng lưới đường, tầu điện và xe buýt vẫn diễn ra với tốc độ như hiện nay thì trong 20 năm tới, giao thông công cộng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. 

Nhanh, linh động

Sở dĩ xe máy được người dân ưa chuộng và lựa chọn là do đáp ứng tốt 3 tiêu chí: rẻ, nhanh, linh động. 

Khảo sát hộ gia đình của Nghiên cứu về vai trò của xe máy trong hiện tại và tương lai tại Việt Nam cũng cho thấy, xe máy là phương tiện được sở hữu nhiều nhất ở tất cả các nhóm thu nhập, trung bình có 2,4 xe cho 1 hộ gia đình. 

Đáng chú ý là, khi thu nhập tăng, sở hữu ô tô con tăng theo, nhưng vẫn không làm giảm sở hữu xe máy. Đối với các cá nhân, dù thu nhập thấp hay cao, việc sử dụng xe máy để đi lại vẫn là chính. Ngay cả ở nhóm thu nhập cao nhất, mặc dù có 52% sử dụng ô tô, nhưng vẫn còn trên 40% sử dụng xe máy. 

Nghiên cứu cũng đưa ra các dự báo về hành vi lựa chọn phương thức đi lại trong tương lai theo hai kịch bản (phát triển theo đường xu hướng và theo quy hoạch được phê duyệt), phỏng vấn lấy ý kiến về chủ trương cấm xe máy và bài học ở Trung Quốc. 

Khung chiến lược an toàn giao thông cho xe máy gồm 4 thành phần: Chính thức đưa xe máy vào các chính sách, pháp luật về an toàn giao thông; Cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông an toàn cho lưu thông xe máy; Cung cấp chương trình giáo dục, đào tạo về an toàn giao thông xe máy cho mọi đối tượng đi đường; Đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật - công nghệ an toàn cho xe máy.

Kết quả cho thấy, xe máy sẽ vẫn được đại đa phần người dân lựa chọn đến năm 2030 và sự tồn tại là một thực tế khách quan. 

Ở các thành phố lớn, kể cả khi toàn bộ mạng lưới đường sắt được xây mới và mạng lưới xe buýt được mở rộng như quy hoạch, vẫn có tới 70% người dân chọn đi xe máy. Với các thành phố trung bình và nhỏ, dù hệ thống xe buýt có được cải thiện đáng kể thì khoảng 90% người dân vẫn lựa chọn xe máy. 

Cũng chỉ có khoảng 30% người được hỏi về chủ trương cấm xe máy vào năm 2030 là “sẽ xảy ra”. 

Dẫu vậy, xe máy cũng có nhược điểm lớn là mức rủi ro tai nạn chết người cao. Bởi vậy, Nghiên cứu cũng đề xuất xây dựng môi trường thuận lợi cho lưu thông xe máy an toàn hay phổ cập mạnh mẽ các quy định áp dụng với xe máy để lưu thông an toàn. 

Một số quy định được đề xuất áp dụng rộng rãi với xe máy để lưu thông an toàn như: trẻ em dưới 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm; thiếu niên từ 16-18 tuổi phải có chứng chỉ lái xe an toàn (50cc, e-bike); bổ sung nội dung lái xe đường trường vào bài thi cấp bằng lái xe máy; sổ tay điều khiển xe máy an toàn, triển khai làn đường riêng cho xe máy, phải có hệ thống phanh chống bó (ABS), phải tự động bật đèn pha ban ngày (AHO), kiểm định kỹ thuật hàng năm đối với mô tô, xe máy.

Tổng cộng mỗi ngày Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha tiêu thụ hơn 8.700 chiếc xe máy tại Việt Nam
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tổng doanh số bán hàng quý 2/2018 của 5 đơn vị thành viên đạt 783.940 xe các loại, tăng 6,1% so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư