Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xe nhập khẩu sắp tung hoành
Thanh Hương - 12/09/2018 06:08
 
Ào ạt tung ra xe mới để bù lại doanh số bán hàng thấp từ đầu năm tới nay là tâm trạng của nhiều hãng xe khi đã lo xong các thủ tục hành chính để rộng đường nhập khẩu.

Xe nhập đổ bộ

Phải tới ngày 25/9 mới ra mắt chính thức, nhưng Toyota Việt Nam (TMV) đã loan báo rất nhanh thông tin về 3 mẫu xe nhập khẩu lần đầu tiên được bán tại Việt Nam.

Wigo, Avanza và Rush là những sản phẩm đã hoàn tất các thủ tục giấy tờ liên quan tới Nghị định 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) để “thuận buồm, xuôi gió” từ Thái Lan, Indonesia cập bến Việt Nam.

Nhiều dòng xe ngoại đang hoàn tất thủ tục để nhập về Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Nhiều dòng xe ngoại đang hoàn tất thủ tục để nhập về Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, giá bán của các mẫu xe này vẫn nằm trong vòng bí mật, nhưng hầu hết các đại lý trên cả nước đã nhận tiền đặt cọc và thông báo giá bán tạm tính của xe.

Theo đó, Wigo được chào giá khởi điểm tạm tính là 400 triệu đồng, Avanza giá từ 600 triệu đồng và Rush cũng được chào giá tạm 600 triệu đồng.

Trước 3 dòng xe này, một số dòng xe khác vốn rất quen thuộc với thị trường Việt Nam là Fortuner, Hilux hay Yaris cũng đã hoàn tất các thủ tục giấy tờ nhập khẩu để rộng đường vào Việt Nam.

Trước đó, Honda Việt Nam cũng đã hoàn tất giấy tờ để mang về Honda CR-V thế hệ mới, hay Honda Jazz về Việt Nam để không bỏ trống trận địa ô tô, cho dù đang thắng lớn với xe máy.

Cũng bổ sung cho thị trường các dòng xe nhập khẩu còn có Ford Everest hoàn toàn mới, vừa được ra mắt hôm 29/8 với 3 phiên bản, trong đó giá bán cho bản cao cấp nhất là 1,399 tỷ đồng, rẻ hơn khoảng 500 triệu đồng so với phiên bản cũ.

Ở các thương hiệu cao cấp hơn, BMW X2 mới tinh vừa cập cảng Việt Nam cũng đã chốt ngày ra mắt trong tháng 9/2018. Trong lô xe đầu tiên được nhập khẩu vào tháng 8/2018 kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực đã có sự trở lại của các mẫu xe BMW 7 Series, BMW X1, BMW 118i và BMW 218i.

Thị trường cũng đang chờ đón sự quay trở lại của Lexus sau thời gian dài vắng bóng kể từ cuối năm 2017, khi cũng đã hoàn tất các yêu cầu về thủ tục theo quy định của Nghị định 116 để tiếp tục nhập khẩu.

Điểm khác duy nhất là các mẫu xe cao cấp như Lexus, BMW, Mercedes-Benz hay Audi và cao cấp hơn nữa đều phải chịu thuế nhập khẩu quãng 70%, thì các ô tô phổ thông đang tận dụng lợi thuế ASEAN.

Ghi nhận của Tổng cục Hải quan cho thấy, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia có những tuần vọt lên chiếm tới 94% tổng lượng ô tô làm thủ tục nhập khẩu. Đây cũng là 2 nước có ngành công nghiệp ô tô được hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ cùng lợi thế thuế nhập khẩu bằng 0% khi có hàm lượng sản xuất tại ASEAN đạt từ 40%.

Lợi thế chưa rõ

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm tới ngày 15/8/2018, đã có 15.348 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, trị giá 324 triệu USD được nhập khẩu. Nếu so với cùng kỳ năm 2017, có 31.661 xe với tổng trị giá 550 triệu USD được nhập khẩu, có thể thấy chính sách kiềm chế nhập siêu ô tô thông qua các thủ tục hành chính đã có những tác dụng bước đầu.

Đáng nói là ở mảng nhập khẩu linh phụ kiện lại cho thấy có sự gia tăng của sản xuất trong nước, khi kim ngạch nhập khẩu tới ngày 15/8/2018 đạt 2,1 tỷ USD - nhỉnh hơn so với con số 2,002 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

doanh nghiệp ô tô có hoạt động sản xuất tại Việt Nam nhiều nhất trong số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện diện tại đây, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho hay, chưa hài lòng với các chính sách hiện hành dành cho sản xuất ô tô trong nước, bởi sức cạnh tranh của sản phẩm ô tô Thái Lan hay Indonesia trên thực tế vẫn cao hơn Việt Nam.

“Xe ô tô xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia được miễn thuế nhập khẩu thì chắc chắn xe sản xuất ở Việt Nam sẽ thua”, ông Kinoshita nói.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 (VBF 2017), báo cáo của nhóm công tác Công nghiệp ô tô - xe máy cũng cho thấy, trên 90% nhà cung cấp linh kiện hiện nay là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phần lớn các linh kiện, nguyên vật liệu để sản xuất xe ô tô và phụ tùng ô tô phải nhập khẩu. Các nhà sản xuất xe ô tô trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistics và thuế nhập khẩu, khiến cho các chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan hoặc Indonesia.

Bởi vậy, ông Kinoshita cho rằng, nếu phải chọn giữa hàng rào thuế quan và phi thuế quan thì nên chọn hàng rào thuế quan. “Cần có sự bù đắp chênh lệch về chi phí sản xuất như đang diễn ra trên thực tế. Trước đây có hàng rào thuế quan, nay không có thuế thì vẫn cần có một giải pháp nào đó để bù đắp được chênh lệch này”, ông Kinoshita nói.

Doanh nghiệp kinh doanh ô tô "nhấp nhổm" với tỷ giá
Tỷ giá USD có xu hướng tăng trong vài tháng gần đây khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô lo ngại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư