Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Xe ôm đệ nhất Hà Thành: Thu 30 triệu/tháng
Bạch Hân - 27/11/2013 08:29
 
Không phải chèo kéo mời khách, chỉ cần ngồi một chỗ chờ chủ hàng gọi điện thoại nhưng đội xe ôm trên phố Đê La Thành luôn có nguồn thu ổn định. Thậm chí, dịp cuối năm, họ có thể kiếm trên 30 triệu đồng/tháng.

Chủ hàng gỗ bỏ việc, làm xe ôm

Cách đây 6 năm, anh Lê Văn Tùng (năm nay 29 tuổi) từng thuê mặt bằng mở cửa hàng bán đồ gỗ nội thất trên phố Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội). Không có duyên với nghiệp kinh doanh, cửa hàng cứ vắng khách dần rồi thua lỗ. Ít lâu sau, anh Tùng đành phải thanh lý hàng, trả lại mặt bằng kinh doanh rồi đi làm nghề xe ôm, chở thuê cho các cửa hàng đồ gỗ bên cạnh.

Anh Tùng kể ban đầu công việc khá vất vả, lại ít khách gọi nên thu nhập chỉ vào khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Giờ thì các chủ hàng đều biết mặt, anh lại thạo việc nên làm nhanh... nên thu nhập tăng dần lên, khá hơn nhiều so với hồi kinh doanh đồ gỗ.

“Trung bình ít khách tôi cũng kiếm được trên 15 triệu đồng, còn dịp cuối năm công việc nhiều, nếu chăm chỉ, thu nhập của tôi lên đến trên 30 triệu đồng/tháng”, anh Tùng khoe.

xe-ôm, Đê-La-Thành, 30-triệu-đồng, thu-nhập, Hà-Nội, đồ-gỗ, chở-hàng

Xe ôm trên phố Đê La Thành kiếm được 30 triệu đồng/tháng

Cùng làm xe ôm trên phố Đê La Thành, sau khi chạy liền 3 chuyến xe ôm chở đồ cho khách, anh Dũng (quê ở Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) vừa tranh thủ uống cốc trà đá, vừa kể chuyện thu nhập “khủng” của cánh làm xe ôm trên phố Đê La Thành.

“Xe ôm phố này thường được trả công kép. Lượt đi được chủ cửa hàng trả công còn lượt về thì khách trả công nên chuyện thu nhập 30 triệu/tháng không phải là khó”. Anh Dũng giải thích, xe ôm thường chỉ chở đồ và lắp đặt cho khách hàng, song, thường thì chủ nhà hay nhờ tháo dỡ đồ cũ để lắp đặt đồ mới, hai bên tự thỏa thuận giá tiền công.

Có nhà thuê xe ôm tháo dỡ đồ cũ xong còn thuê chở đồ cũ đi luôn. Mỗi lần như thế, cánh xe ôm lại kiếm được một món tiền kha khá. Thậm chí, nếu khách hàng nào điều kiện, hào phóng, họ còn trả công gấp đôi so với số tiền chủ cửa hàng đồ gỗ thuê, anh Dũng cho hay.

“Sáng nay khi mang đồ tới, khách có thuê tôi tháo dỡ và chở đi giúp họ một chiếc tủ gỗ ép với giá 250.000 đồng. Lúc tháo ra, thôi tủ thấy còn khá mới, có thể dùng được nên đem về xóm trọ bán luôn cái tủ đó cho các em sinh viên, có thêm 150.000 đồng nữa”.

Kể xong, anh Dũng khẳng định: “Mỗi ngày chỉ cần kiếm được một chuyến như thế thì tháng kiếm 30 triệu đồng không có gì là khó với dân xe ôm trên phố Đê La Thành cả”.

Làm xe ôm, phải có người quen dẫn mối

Có thể nói, thu nhập của cánh xe ôm trên phố Đê La Thành là niềm mơ ước cả rất nhiều người, song, không phải ai cũng có thể chen chân vào con phố làm ăn khá dễ dàng này.

xe-ôm, Đê-La-Thành, 30-triệu-đồng, thu-nhập, Hà-Nội, đồ-gỗ, chở-hàng

Vào những tháng cuối năm, cánh xe ôm trên phố đồ gỗ làm không hết việc

Sau hơn chục năm làm nghề xe ôm chở đồ gỗ thuê, anh Nguyễn Văn Lương cho hay số người chạy xe ôm hành nghề trên phố Đê La Thành vẫn chỉ có chừng ấy người chứ không tăng, vì mỗi xe ôm chỉ nhận giao hàng cho vài cửa hàng quen biết. Do đó, nếu ai muốn gia nhập đội ngũ xe ôm phố này phải có người quen giới thiệu, dắt mối.

Ngoài ra, chở hàng cũng không hề dễ do phải chằng buộc đồ gỗ cồng kềnh, lại không được làm sứt sẹo sản phẩm. Việc chạy xe trên những tuyến phố đông nghẹt người cũng là cả một nghệ thuật. Đó là chưa kể tới chuyện, xe ôm còn phải biết lắp ghép giường, tủ, bàn, ghế... cho khách thay cho chủ các cửa hàng - anh Lương nói thêm.

Không chỉ có vậy, xe ôm Trần Văn Hải còn cho biết, ngoài ngón nghề thợ mộc cần thiết phải có, khi đi giao hàng, khách chỉ đặt cọc một khoản tiền nhỏ nên xe ôm còn kiêm cả công việc thu ngân, thu nốt số tiền còn thiếu cho chủ cửa hàng nữa. “Thế mới nói, phải là người quen, có người giới thiệu mới hành nghề xe ôm ở đây được”, anh Hải chia sẻ.

Thừa nhận có chuyện trên, chị Lê Thị Thảo, chủ một cửa hàng đồ gỗ nội thất trên phố Đê La Thành, kể thêm đúng là vào những tháng cuối năm, khách hàng đông nên nhiều khi “cháy” xe ôm, chị phải hẹn 2-3 tiếng sau mới có thể giao hàng cho khách.

Chủ cửa hàng cũng không thể tùy tiện gọi bừa một người chạy xe ôm nào đó bởi đồ gỗ thường có giá tiền triệu đến chục triệu. Và không phải ai cũng biết cách chằng buộc đồ, lắp đặt đồ nên các chủ cửa hàng chỉ dám gọi những xe ôm quen biết, tin tưởng, được người này giới thiệu, người kia giới thiệu.

Nhân viên ngân hàng "kêu oan" về mức lương cao
Nhân viên ngân hàng than lương thực tế chỉ vài triệu đồng một tháng, nhưng phải chịu tiếng oan vì gánh thêm thu nhập của lãnh đạo. ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư