Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xem lại mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân
Mạnh Bôn - 10/11/2022 09:12
 
Đòi hỏi về việc giảm thuế thu nhập cá nhân thông qua nâng mức khởi điểm chịu thuế hay giảm trừ gia cảnh một lần nữa “dậy sóng” sau khi lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ 1/7/2022.

Vấn đề càng thêm thời sự khi các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã đồng tình với việc nâng lương cơ sở thêm 20,8%, từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Kể từ năm 2013, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân được tăng đúng một lần, từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, được áp dụng kể từ kỳ tính thuế năm 2020. Qua 2 năm dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thu nhập của người dân, đặc biệt của những người làm công hưởng lương bị giảm so với năm 2019 - thời điểm “chốt sổ” để nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng.

Mức giảm trừ gia cảnh này chưa bị lạc hậu trong 2 năm (2020 - 2021) do giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian trên không cao, hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đặc biệt là học phí và viện phí, giá điện sinh hoạt, nước sạch được giữ nguyên.

Song, khi dịch bệnh được đẩy lùi, hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh đã quay trở lại quỹ đạo bình thường, giá nhiều loại hàng hóa tiếp tục tăng, học phí, viện phí đã vào “quỹ đạo điều chỉnh” để tiệm cận thị trường và sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng, thì mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân đang dần trở lên lạc hậu.

Trên thực tế, thu nhập bình quân của người lao động hiện vào khoảng 6,6 triệu đồng/tháng, chỉ tăng 11,8% (693.000 đồng) so với năm 2019. Nhưng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 đã tăng 9,44% so với năm 2019, trong đó những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chiếm đa phần trong chi tiêu của người dân đều tăng vượt mức tăng thu nhập của người lao động, đặc biệt là mặt hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống đã tăng 14,56%; học phí tăng 16,33%. Như vậy, mức tăng thu nhập thấp hơn tốc độ tăng giá, đời sống của người dân không được cải thiện, không còn tích lũy, mà vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Điều đó cho thấy, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân đang dần xa rời thực tế cuộc sống.

Năm 2019, khi chưa tăng khởi điểm chịu thuế lên 11 triệu đồng/tháng, sắc thuế thu nhập cá nhân chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 109.406 tỷ đồng. Tới năm 2020 và năm 2021, mặc dù thu nhập của người dân bị giảm, hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình đốn, ngưng trệ, nhưng sắc thuế này vẫn đem về cho ngân sách 115.150 tỷ đồng và 127.655 tỷ đồng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, số thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt 128.439 tỷ đồng, vượt gần 9% dự toán cả năm và tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Những con số trên cho thấy, thuế thu nhập cá nhân đang bị đánh quá cao, bất chấp trong suốt 2 năm vừa qua, thu nhập, đời sống của người dân bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.

Trong nhiều năm qua, so với năm trước và so với dự toán, thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân luôn luôn cao hơn nhiều lần các sắc thuế còn lại cũng như các khoản thu khác như thu từ doanh nghiệp, dầu thô, xuất nhập khẩu... Đây chính là minh chứng cho sự thiếu công bằng trong các khoản thu, sắc thuế, mà tồn tại lớn nhất chính là mức khởi điểm chịu thuế quá thấp.

Người làm công hưởng lương cả khu vực nhà nước lẫn ngoài nhà nước đang phấn khởi vì được tăng lương tối thiểu và lương cơ sở. Nhưng niềm vui này sẽ không kéo dài khi lộ trình tăng học phí, viện phí năm tới và những năm tiếp theo đã được “lập trình” để tiệm cận giá cả thị trường. Hẳn nhiên, khoản thu nhập tăng thêm nhờ tăng lương sau đó sẽ chủ yếu được chuyển vào tài khoản của cơ sở giáo dục, cơ sở y tế. Trong bối cảnh “nước nổi”, mà mức giảm trừ gia cảnh không nổi, thì chất lượng cuộc sống của người dân sẽ khó cải thiện cùng lộ trình cải cách tiền lương.

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi CPI biến động trên 20%, thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả. Trong khi đó, CPI tháng 10/2022 mới tăng 9,44% so với năm 2019. Có lẽ, đây chính là lý do khiến Bộ Tài chính chưa có động thái về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Thực tiễn cuộc sống và quy định của luật đã, đang có sự khác xa không nhỏ. Hơn thế, giữa CPI và sự biến động giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng có sự khác biệt không hề nhỏ. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần nhìn vào thực tế để xem xét, đưa ra mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân phù hợp, thay vì cứ đợi đến khi CPI tăng trên 20% thì mới điều chỉnh cho “đúng quy trình.

Chủ tịch Hội tư vấn Thuế: Không nên đánh thuế thu nhập nếu chuyển nhượng bất động sản bị lỗ
Tránh tình trạng chuyển nhượng lỗ bất động sản cũng bị đánh thuế thu nhập cá nhân, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế cho rằng, cần thay đổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư