Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xem xét nguyên tắc, tiêu chí cấp bậc hàm cao nhất với công an cấp tỉnh và các cục, vụ
Thanh Huyền - 06/11/2018 15:42
 
Tiếp tục chương trình làm việc ngày 6/11 kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt

Trình bày Báo cáo  giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định công an nhân dân (CAND) làm nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, vì cho rằng, nội hàm như dự thảo Luật là rất rộng, do nhiều bộ, ngành thực hiện.

Giải trình vấn đề này, ông Việt cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật được giao cho nhiều bộ, ngành, lực lượng chức năng thực hiện.

“Tuy nhiên, theo tổng kết, đánh giá thì CAND là lực lượng trực tiếp, thường xuyên đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật. Do đó, việc xác định CAND giữ vị trí nòng cốt trong đấu tranh, phòng chống vi phạm phạm luật là phù hợp với thực tiễn và thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan”, ông Việt nói.

Về đề nghị quy định cụ thể tiêu chí chức vụ Cục trưởng và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, số lượng vị trí có cấp bậc cấp hàm tướng, đây là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã triển khai thực hiện mô hình tổ chức mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có sự thay đổi lớn so với mô hình tổ chức theo quy định của Luật CAND năm 2014. Việc điều chỉnh tổ chức, bộ máy của CAND cần có thời gian kiểm nghiệm, đánh giá và có thể tiếp tục điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Về nguyên tắc, Luật này càng cụ thể thì càng dễ thực hiện, tuy nhiên, đối với vấn đề này cần cân nhắc để phù hợp với thực tế.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc công an cấp tỉnh; quy định số lượng vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc quy định Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư