Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Xem xét trình Quốc hội phân bổ tiếp vốn đầu tư công tại Kỳ họp thứ năm
Nguyễn Lê - 18/04/2023 14:57
 
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc về phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi.
.
Quang cảnh buổi làm việc ( Ảnh: Quiochoi.vn).

Chính phủ trình phân bổ số vốn còn lại trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội không còn thẩm quyền cho ý kiến về nội dung này.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, sáng 18/4, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành về việc phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tổng số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội quyết định là 2.870.000 tỷ đồng. Đến nay, số vốn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ là 2.440.007,682 tỷ đồng. Số còn lại của Kế hoạch này chưa phân bổ là 429.992,318 tỷ đồng, bao gồm: 142.992,318 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương trong nước; 137.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương; 150.000 tỷ đồng dự phòng chung ngân sách Trung ương .

Tổng số vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là 176.000 tỷ đồng, số đã giao kế hoạch vốn chi tiết là 161.848,315 tỷ đồng, số còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là 14.151,685 tỷ đồng.

Đã là giữa nhiệm kỳ nhưng vẫn còn lượng lớn vốn chưa phân bổ chưa được sử dụng là thiếu sót cần được các cơ quan nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, thực tế quá trình tổng hợp, báo cáo phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, bố trí mặt bằng, cân đối vốn ngân sách địa phương, các chỉ tiêu, tiêu chí về đơn giá, kỹ thuật khác nên một số bộ, địa phương mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ của dự án, nhưng phải chờ đến thời điểm tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Ngoài ra, một số dự án quan trọng cấp bách về giao thông, quốc phòng, lưới điện của các bộ, địa phương do tính chất phức tạp, đặc thù đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Trong tổng số vốn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án đã đủ thủ tục, số vốn bố trí cho dự án quan trọng quốc gia chiếm 31,5%. Ngoài ra, trong phương án phân bổ Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép báo cáo Quốc hội, còn có nguồn lực xử lý những nhiệm vụ quan trọng như bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, các dự án nông nghiệp; các dự án cấp lưới điện ra Côn đảo, bảo đảm an sinh xã hội, các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm thực hiện cam kết với nhà tài trợ.

Với những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết phải bố trí vốn nêu trên, trường hợp toàn bộ số vốn còn lại chưa phân bổ chuyển vào dự phòng chung sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện mục tiêu về 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 29/2021/QH15.

Đối với nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nếu không được tiếp tục phân bổ, sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, ngành y tế sẽ bị áp lực lớn do 25% số vốn của ngành y tế được phân bổ trong đợt này, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng mục như Kế hoạch năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị (số vốn của Chương trình đã được Quốc hội quyết nghị trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023), Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, Chính phủ trình các nội dung trên căn cứ quy định tại khoản 10 Điều 2 của Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội: “Chính phủ xây dựng phương án phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình khi đủ điều kiện theo quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/ 3/ 2023. Sau thời điểm trên, số vốn chưa phân bổ của Kế hoạch đầu tư công trung hạn chuyển vào dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không thực hiện phân bổ tiếp”.

Theo đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, cả 5 Tờ trình của Chính phủ không bảo đảm về thời gian để thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Nghị quyết số 69/2022/QH15.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng thực tế cần xem xét, giải quyết do số vốn còn lại chưa phân bổ, giao chi tiết của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là khá lớn. Những nội dung này vượt thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do vậy, có thể cho phép Chính phủ tổng hợp báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV nhằm xử lý dứt điểm những khó khăn vướng mắc đặt ra trương thực tiễn.

Sau khi nghe thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận, mặc dù các Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định không bảo đảm quy định về thời hạn, tuy nhiên, có những nguyên nhân chủ quan, khách quan cần được làm rõ và đề nghị chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân, làm rõ những hệ quả tác động cho việc chậm triển khai phân bổ vốn này.

Mặt khác, số lượng vốn chưa giao chi tiết là khá lớn, nếu không phân bổ giao kế hoạch chi tiết vốn các dự án có đủ điều kiện về thủ tục đầu tư sẽ ảnh hưởng đến tình hình đầu tư công, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong danh mục dự án phân bổ có các dự án quan trọng, dự án bảo đảm quốc phòng an ninh.

Do đó trên cơ sở ý kiến tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Chính phủ phối hợp rà soát, làm rõ từng mục tiêu các dự án, chương trình, các công trình thực sự cấp bách đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân để báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 để quyết định phân bổ nguồn vốn này.

Xem xét phân bổ tiếp gần 15.000 tỷ đồng vốn Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 129 dự án với số vốn khoảng 14.710 tỷ đồng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư