Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính: Nhiều bộ, ngành tụt hạng vì chậm trễ
Bảo Duy - 29/06/2021 09:09
 
Trong Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR Index 2020) vừa được công bố, Bộ Khoa học và Công nghệ nằm trong nhóm 3 bộ cuối bảng (cùng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục&Đào tạo).
Doanh nghiệp rất lo ngại vì tốc độ xử lý kiến nghị của doanh nghiệp quá chậm

So với lần xếp hạng trước, bộBộ Khoa học và Công nghệ tụt tới 9 bậc, từ thứ 6 xuống thứ 15/17 bộ, ngành được xếp hạng.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cảm thấy lo ngại vì thông tin trên.

“Vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan nắm quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực đòi hỏi tính đổi mới, sáng tạo nhất, đòi hỏi dám nghĩ, dám làm nhất, nhưng lại chậm cải cách nhất”, ông Cung lý giải.

Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thấu hiểu thực tế đó hơn cả.

Hiện tại, nhóm các hiệp hội doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến thực phẩm, gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lại tiếp tục họp nhóm để bàn về những kiến nghị sẽ gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch. Họ đã theo đuổi việc này từ năm 2018 đến nay, chịu thua thiệt rất nhiều bởi những quy định “không giống ai”. 

Nhưng có vẻ như, những việc cần phải làm vẫn còn nhiều.

Đáng nói là, doanh nghiệp rất lo ngại vì tốc độ xử lý kiến nghị của doanh nghiệp quá chậm, chưa kể, không ít đề xuất từ thực tiễn trước đó không được tiếp thu mà không rõ lý do... Có thể thấy rõ điều này khi niềm tin của họ vào bản dự thảo sửa đổi các nghị định về các biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa mà Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cập nhật, rất bấp bênh.

Thậm chí, tại Hội thảo về Chất lượng thông tư và công văn - góc nhìn từ doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức cuối tuần trước, Bộ Khoa học và Công nghệ được nhắc đến trong ví dụ về văn bản được ban hành (Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN về nhập khẩu dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng), nhưng không có hiệu lực ngày nào vì không phù hợp, buộc phải ngưng hiệu lực. Không những vậy, văn bản sửa đổi 1 năm sau cũng rơi vào tình thế nhiều quy định không biết sẽ thực thi thế nào... Thời điểm đó, thứ hạng trên Bảng xếp hạng PAR Index của Bộ Khoa học và Công nghệ là 17/19 (năm 2015) và 19/19 (năm 2014).

Tất nhiên, không thể chỉ dựa vào một chỉ số xếp hạng để bàn hết ngóc ngách những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt do các quy định không phù hợp, do sự chậm trễ trong hoàn thiện hệ thống văn bản. Song PAR Index là chỉ số đo lường tốc độ, chất lượng cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương.

Xếp hạng thấp trên Bảng xếp hạng PAR Index 2020 đồng nghĩa, các chỉ số về Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; Cải cách thủ tục hành chính cũng như các chỉ số Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức... thấp hơn các bộ, ngành khác.

Thực tế là, khá nhiều tồn tại trong cải cách hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ đang là vấn đề chung, tác động lớn tới niềm tin, nỗ lực đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp. 

Trong buổi công bố PAR Index 2020 tổ chức cuối tuần trước, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ những hạn chế này. Đó là, lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy cải cách để bảo đảm tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động quản lý nhà nước; vẫn còn một số tồn tại, hạn chế tại một số nội dung cải cách thể chế chưa được xử lý, tháo gỡ. Một số nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nghiêm...

Phó thủ tướng đặt rõ yêu cầu: người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương phải tiếp tục có biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức; đồng thời trực tiếp chịu trách nhiệm với kết quả cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý.

Lo ngại các bộ chậm cải cách không còn là chuyện của riêng doanh nghiệp, chuyên gia. Đây hiện là yêu cầu phải thay đổi quyết liệt từ Chính phủ.

Cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Động lực từ những việc chưa làm được
Chuyên tâm mổ xẻ, phân tích những điểm tồn tại, nút thắt để tìm giải pháp cải thiện đang là đề xuất của giới chuyên gia, doanh nghiệp cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư