Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Động lực từ những việc chưa làm được
Khánh An - 26/04/2021 09:07
 
Chuyên tâm mổ xẻ, phân tích những điểm tồn tại, nút thắt để tìm giải pháp cải thiện đang là đề xuất của giới chuyên gia, doanh nghiệp cho cách thức cải cách môi trường kinh doanh.
Môi trường kinh doanh Việt Nam đang cần cải cách thực sự đột phá, thay vì chỉ cải biên, cải biến, cải tiến, cải thiện

Câu chuyện PCI của Bắc Giang

Không ít công chức, lãnh đạo một số cơ quan của Bắc Giang có thể đang lo lắng. Dù Bắc Giang đã tăng tới 13 bậc trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ 40/63 năm 2019 lên 27/63 năm 2020 - vượt 3 bậc so với kế hoạch, nhưng có tới 5 chỉ số giảm điểm (tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý).

“Những đầu mối được giao phụ trách cải thiện các chỉ số thành phần này sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh vì không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Đồng Anh Quân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bắc Giang cho biết tại buổi công bố Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp vào tuần trước.

Sau khi PCI 2019 được công bố với thứ hạng của Bắc Giang giảm 2 năm liền, UBND tỉnh đã có cuộc làm việc trực tuyến với 209 xã, phường trong toàn tỉnh để quán triệt nhận thức của từng công chức về cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện. Tiếp ngay sau, kế hoạch nâng hạng các chỉ số thành phần của PCI được UBND tỉnh phê duyệt, giao đầu mối cho từng đơn vị. Yêu cầu đặt rõ là, nếu không hoàn thành, đơn vị đầu mối, người đứng đầu đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm.

“Đó là hội nghị trực tuyến lớn nhất, ấn tượng nhất về PCI mà tôi từng dự. Phải đến 5.000 công chức tham gia bàn về cách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cắt giảm các thủ tục hành chính. Tôi tin là các đầu mối chưa hoàn thành nhiệm vụ sẽ có thêm nhiều giải pháp mới để làm tốt hơn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), chuyên  gia Dự án PCI chia sẻ.

Sự tin tưởng của ông Tuấn là có cơ sở.

Nhìn vào 5 chỉ số thăng hạng khá cao của Bắc Giang trong PCI 2020, gồm chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và cạnh tranh bình đẳng, có tới 4 chỉ số giảm điểm trong PCI 2019 so với PCI 2018 (chỉ trừ cạnh tranh bình bẳng). Đây chính là các chỉ số được UBND tỉnh đề ra giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các thủ tục hành chính liên quan đến thành lập doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh... được sơ đồ hóa từng bước để doanh nghiệp tiên liệu được sẽ phải làm gì, mất bao thời gian. Sơ đồ này được phát hành miễn phí tại Trung tâm hành chính công của tỉnh, trên trang thông tin của tỉnh. Các tổ nhận phản ánh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được thiết lập. Với các dự án phức tạp, quy mô lớn, tỉnh thành lập riêng tổ công tác để trực tiếp xử lý...

Doanh nghiệp đã cảm nhận được những chuyển biến tích cực trong thực tế và PCI Bắc Giang tăng hạng.

Kinh nghiệm bàn giải pháp từ các việc chưa làm tốt

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng có mặt tại buổi công bố Báo cáo trong vai một bên thực hiện. Vì đây là báo cáo khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 02 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, do VCCI và CIEM thực hiện.

Tuy nhiên, ông Hiếu cảm thấy băn khoăn, không biết nên chia sẻ điều gì từ báo cáo này. “Khảo sát doanh nghiệp đang cho thấy có nơi cải cách, có nơi chậm, có nơi tụt lùi. Cải cách không đều thì doanh nghiệp sẽ không cảm nhận được, vì làm một thủ tục tốt, sang việc khác lại mắc. Rồi nhiều tồn tại, vướng mắc mà Nghị quyết 02 chưa đề cập”, ông Hiếu lý giải.

Có thể nhắc đến tỷ lệ 60% doanh nghiệp nói “phải cần tới quan hệ để có được các thông tin của địa phương”. Có tới 68% doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh vì không thực hiện được thủ tục đúng hạn. Và nhiều khó khăn, rào cản bất thành văn, nhưng là rủi ro vô cùng cho doanh nghiệp. “Tôi không phủ nhận những cải cách đã làm được những năm qua, nhưng nói đến những điểm còn tồn tại, chưa làm được, để thấy công việc trước mắt còn nặng nề”, ông Hiếu nói.

Thực ra, ông Hiếu và các chuyên gia kinh tế đang rất sốt ruột về tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam khi so với tốc độ cải thiện của Malaysia, Thái Lan và cả Singapore. Đây là các nền kinh tế đứng ở top 20 trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, nhưng tham vọng thăng hạng vẫn rất lớn. Câu chuyện về đại biểu Singapore dành cả bài phát biểu trong một hội nghị về môi trường kinh doanh giữa các nước ASEAN chỉ để nói về những việc làm chưa tốt, phải làm tốt hơn... được kể lại.

“Môi trường kinh doanh của Singpore đang được xếp đầu ASEAN mà họ còn nói vậy, thì thách thức cải cách của chúng ta vô cùng lớn”, ông Hiếu nói.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế đồng tình với cách nhìn này khi nhắc tới điểm thấp của thủ tục về xuất nhập khẩu, cấp phép xây dựng, bảo vệ nhà đầu tư... “Một nền kinh tế mở như Việt Nam mà tại sao thủ tục xuất nhập khẩu bị gây khó? Chúng ta hăng hái tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, điều kiện kinh doanh... khó thế, chi phí cao thế, thì doanh nghiệp nào dám làm”, bà Lan đặt câu hỏi.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI vừa mất vài tháng để hoàn tất thủ tục thành lập công ty của mình. “Mấy chục năm làm tư vấn cho doanh nghiệp, giờ tự mình khởi nghiệp mà vẫn thấy quá nhiêu khê. Thủ tục có thể nhanh nhờ ứng dụng công nghệ, nhưng tư duy con người thì cải cách không đều, nên mới có cảnh cứ 3 bước tiến lại 1 bước lùi”, ông Đức trăn trở.

Rõ ràng, môi trường kinh doanh Việt Nam đang cần cải cách thực sự đột phá, thay vì chỉ cải biên, cải biến, cải tiến, cải thiện. Song các chuyên gia kinh tế vẫn phải nhắc rằng, chìa khoá vẫn là tư duy cải cách. “Chúng tôi muốn gửi những ý kiến này tới Chính phủ, tới tân Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, lãnh đạo chính quyền địa phương”, ông Đức nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát văn bản gây khó khăn trước ngày 15/5/2021

Ngày 22/4/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có văn bản chỉ đạo rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy pháp phạm pháp luật hiện hành đang gây khó khăn, vướng mắc, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần xác định cụ thể nội dung quy định gồm điều, khoản, văn bản gây khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Kết quả rà soát, phương án xử lý được gửi Bộ Tư pháp trước ngày 15/5/2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Giữ lửa cải cách môi trường kinh doanh
Trong những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ suốt những năm qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ hiện tại, dấu ấn của Bộ Kế...
Bình luận bài viết này
  • Lê Ngọc Minh 14:55 | 26-04-2021
    Năm 2019, PCI của Bắc Giang xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố, nhưng đạt 64,5 điểm. Năm 2020, xếp hạng 27 (tăng 13 bậc) nhưng điểm giảm còn 63,9. Quảng Ninh 2 năm 2019 đạt 73 điểm, năm 2020 đạt 75 điểm và đều xếp số một. Qua đó có thể thấy Bắc Giang tuy tăng hạng, nhưng chất lượng phục vụ kém hơn trước.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư