Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xét xử đại án tham nhũng tại RPMU: Án phạt nặng và quyết tâm chống tham nhũng
Anh Trung - 28/10/2015 08:41
 
Trong 2 ngày (26 và 27/10), bị cáo Phạm Hải Bằng và các đồng phạm đã ra trước vành móng ngựa, khi Tòa án nhân dân TP. Hà Nội chính thức xét xử vụ án tham nhũng tại Ban quản lý Các dự án đường sắt (RPMU). Trong nỗ lực phòng và chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ, các bị cáo sẽ phải đối diện với mức án những bản án nghiêm khắc.

Quan điểm của Viện Kiểm sát

Tại phiên xét xử, giữ quyền công tố, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, hành vi của các bị cáo rất nghiêm trọng, làm đình trệ tiến độ của Dự án, xâm phạm lợi ích quốc gia, làm xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế và làm xấu quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Do vậy, cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo Phạm Hải Bằng đã làm trái quy định được giao, phạm tội tích cực, đứng ra đàm phán nhằm hưởng lợi số tiền 11 tỷ đồng. Bản thân bị cáo Bằng giữ vai trò chính và chỉ đạo Quang Duy và Nam Thái, vì vậy, bị cáo Bằng cần phải nhận bản án nghiêm khắc.

Bị cáo Phạm Hải Bằng trong phiên xét xử tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội
Bị cáo Phạm Hải Bằng trong phiên xét xử tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội

Đối với Phạm Quang Duy, là điều phối viên, khi được Bằng chỉ đạo, dù biết rõ Bằng gợi ý để lấy tiền ngoài hợp đồng của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng bị cáo đã hưởng ứng khi 1 lần nhận tiền trực tiếp từ đối tác Nhật Bản và nhiều lần nhận tiền từ Phạm Hải Bằng. Bản thân bị cáo Duy cũng hưởng lợi hơn 35 triệu đồng

Đối với bị cáo Nguyễn Nam Thái, cũng như Duy, biết việc Bằng gợi ý để lấy tiền ngoài hợp đồng của JTC. Thái nhiều lần nhận tiền từ Phạm Hải Bằng và JTC với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng. Số tiền này được đưa vào sử dụng tổ chức hội thảo, hội họp…

Đối với bị cáo Trần Văn Lục và Trần Quốc Đông, đều được Bằng báo cáo JTC hỗ trợ tiền để tổ chức lễ ký kết hợp đồng, nhưng các bị cáo vẫn bỏ mặc để hậu quả sự việc xảy ra. Bị cáo Lục hưởng lợi 100 triệu đồng, bị cáo Đông hưởng lợi 30 triệu đồng, ngoài ra, các bị cáo này còn biết việc chi tiền có nguồn gốc từ JTC cho việc đưa hỗ trợ nhân viên của RPMU đi nghỉ mát làm trái quy định nhưng vẫn để hậu quả xảy ra. Bị cáo Nguyễn Văn Hiếu, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, bỏ ra nhiều quy trình quy định theo pháp luật để giải ngân cho nhà thầu. Bản thân bị cáo được hưởng lợi 50 triệu đồng,

Như vậy, đối với các hành vi nêu trên, Viện Kiểm sát nhận định, cần phải có những mức án nghiêm khắc dành cho các bị cáo Đông, Lục, Duy, Nam Thái và Hiếu.  

Ngoài án phạt, Viện Kiểm sát đề nghị Tòa buộc các bị cáo phải bồi hoàn lại số tiền 11 tỷ đồng, đồng thời đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau: Phạm Hải Bằng bị đề nghị từ 11-13 năm tù giam, nộp hơn 3,6 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính; Nguyễn Nam Thái bị đề nghị từ 10-12 năm tù giam, nộp hơn 2,8 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính; Phạm Quang Duy bị đề nghị mức án từ 8-10 năm tù giam, nộp hơn 2,3 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính; Trần Văn Lục bị đề nghị mức án từ 6-8 năm tù giam, bổ sung công quỹ 100 triệu đồng đã nộp cho cơ quan điều tra; Trần Quốc Đông bị đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam, bổ sung công quỹ 30 triệu đồng đã nộp cho cơ quan điều tra. Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiếu, Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam, nộp 50 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát đề nghị Tòa kê biên tài sản của Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quan Duy để đảm bảo công tác thi hành án.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng - chống tham nhũng

Việc đưa ra xét xử 8 đại án trước Đại hội Đảng lần thứ XII cho thấy quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng - căn bệnh trầm kha cản bước phát triển kinh tế, ảnh hưởng thu hút đầu tư, quan hệ, hình ảnh và uy tín của Việt Nam.

Đối với vụ án “quan đường sắt”, qua mức án đưa ra, có thể thấy quan điểm cứng rắn của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào vấn đề, các bản tuy nặng nhưng mới chỉ thể hiện được mặt “chống”. Để không còn những vị tham quan, điều cần bây giờ là phải nâng cao công tác “phòng”.

Hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng của Việt Nam được cho là đầy đủ bậc nhất, nhưng sự chuyển biến trên thực tế chưa đáng kể là vì sao?

Tham nhũng được định nghĩa là “việc sử dụng quyền năng do chức vụ mang lại để hưởng lợi bất chính”. Muốn phòng tham nhũng hiệu quả thì quan trọng nhất là phải chế ước được các quyền năng này. Như vậy, nếu thiết kế được một hệ thống kiểm soát quyền lực chặt chẽ thì sẽ hiệu quả hơn là tập trung vào việc chống, vì nếu không làm từ gốc, thì tham nhũng giống như vòi bạch tuộc, chặt đầu này sẽ mọc đầu khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngay các đại biểu Quốc hội, trong nhiều phiên thảo luận về phòng chống tham nhũng, vẫn thường đặt nặng việc tìm kiếm các chế tài chống tham nhũng và ít chú trọng yêu cầu hiệu năng của các biện pháp phòng ngừa.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, trong Báo cáo Kinh tế - Xã hội do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc, công tác phòng chống tham nhũng cũng được đánh giá “chưa đạt yêu cầu”. Để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, nhiệm vụ được người đứng đầu Chính phủ đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng; Thực hiện nghiêm quy định kê khai, tài sản, thu nhập...

Dự kiến hôm nay (28/10), Tổng thanh tra Chính phủ sẽ trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trước Quốc hội. Hy vọng rằng, tại phiên này, với việc đưa ra xét xử các vụ đại án, các đại biểu Quốc hội có thể thấy được thực tế tình hình tham ô, tham nhũng, qua đó sẽ có nhiều kiến nghị thiết thực hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng.

6 cán bộ đường sắt bị truy tố trong nghi án nhận hối lộ JTC
Trưa 24/6, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết, Viện vừa ban hành Cáo trạng số 18/VKSTC-V3 truy tố các bị can nguyên là lãnh đạo Ban quản lý các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư