Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xét xử đại án tham nhũng tại Tổng công ty Đường sắt: Nhận hối lộ hơn 11 tỷ đồng “ngoài đường ray”
Hữu Tuấn - 26/10/2015 06:51
 
Trong hai ngày (26 và 27/10), Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án nhận hối lộ tại Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Một trong 8 án điểm

Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, vụ án tham nhũng tại RPMU là một trong 8 vụ án trọng điểm đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo và thống nhất đưa ra xét xử sơ thẩm trong giai đoạn này.

Vụ việc bắt đầu từ tháng 3/2014, Nhật báo Nhật Yomiuri Shimbun đưa tin việc Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) thú nhận với cơ quan điều tra của Nhật đã đưa hối lộ cho các quan chức ở Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan hơn 100 triệu yên để giành được các hợp đồng tại dự án có sử dụng vốn vay ODA của Nhật ở các quốc gia này.

Từ thông tin trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam đã vào cuộc tiến hành điều tra.

.

Ngày 22/6/2015, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ban hành Cáo trạng số 18/VKSTC-V3, cáo buộc 6 bị can thuộc Ban Quản lý RPMU với các tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

6 bị can thuộc Ban Quản lý RPMU phải hầu tòa gồm: Phạm Hải Bằng, nguyên Phó giám đốc RPMU; Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng phòng dự án 3 - RPMU; Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU; Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU và Phạm Quang Duy, nguyên Phó giám đốc RPMU.

Lấy 11 tỷ đồng của JTC ngoài hợp đồng

Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, bị can Phạm Hải Bằng nêu khó khăn của RPMU về chi phí triển khai thực hiện dự án nên được đại diện JTC đồng ý hỗ trợ.

Từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Phạm Hải Bằng đã trực tiếp hoặc chỉ đạo Phạm Quang Duy, Nguyễn Nam Thái nhiều lần nhận tiền của JTC. Theo tài liệu điều tra của Nhật Bản là 15 lần. Số tiền nhận được đều là yên Nhật, được Duy hoặc Thái đổi ra tiền Việt Nam được 11 tỷ đồng. Việc giao nhận tiền diễn ra tại trụ sở RPMU hoặc văn phòng JTC tại Hà Nội.

Số tiền này được  các bị can trong vụ án sử dụng vào các hoạt động liên quan đến dự án như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại, chi nghỉ mát, thưởng ngày lễ, tết cho cán bộ nhân viên...

Trong tổng số 11 tỷ đồng đã nhận, Phạm Hải Bằng quản lý và sử dụng 4,8 tỷ đồng, Nguyễn Nam Thái quản lý và sử dụng 3,4 tỷ đồng. Số tiền còn lại 2,8 tỷ đồng được chuyển cho Duy, nhưng sau đó Duy lại đưa cho Thái để cùng cán bộ phòng 3 sử dụng.

Theo nhận định của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái để sử dụng đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam; ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA.

Không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng

Đây là vụ án tham nhũng duy nhất liên quan đến ngành giao thông trong 8 đại án đưa ra xét xử lần này, nhưng lại là vụ án tham nhũng thứ 2 liên quan đến ODA và nhận hối lộ từ đối tác Nhật Bản. 6 năm trước, vụ án hối lộ để thắng thầu liên quan tới Công ty tư vấn Thái Bình Dương - PCI (Nhật Bản) tại Dự án Đại lộ Đông - Tây TP.HCM cũng đã bị phát hiện, nghiêm khắc xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều này phần nào cho thấy, tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là điểm nóng đáng lo ngại cùng với điểm nóng tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng (4/8 đại án xét xử lần này đều liên quan đến quan chức, cán bộ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Agribank).

Chính vì vậy, việc nhanh chóng điều tra và đưa ra xét xử một cách nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật tại vụ án JTC không những đưa ra câu trả lời cho nhân dân cả nước, mà còn là lời cảnh cáo sâu sắc với đội ngũ cán bộ công chức trong các ngành dễ xảy ra tham nhũng.

Việc đưa ra xét xử công bằng, nghiêm minh còn là lời khẳng định của Việt Nam rằng, không có vùng cấm trong xử lý các vụ việc tham nhũng, dù vụ việc có nhạy cảm có liên quan đến yếu tố đối tác nước ngoài và ODA, thể hiện sự quyết tâm, minh bạch, quyết liệt của Việt Nam trong phòng chống tham nhũng.

Xét xử đại án tham nhũng gây thiệt hại 966 tỷ đồng tại Agribank TP.HCM
Từ 22-30/10, TAND TP.HCM tiến hành xét xử sơ thẩm đại án tham nhũng trong vụ gây thiệt hại 966 tỷ đồng tại Công ty Dệt kim Đông Phương và Ngân hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư