Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xét xử vụ AVG: Các cựu lãnh đạo Mobifone khai gì?
Đỗ Mến – Bùi Trang - 17/12/2019 14:18
 
Ngày 17/12/2019, phiên tòa xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG tiếp tục với phần làm rõ nội dung các cuộc họp và việc định giá tài sản của AVG.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu – AVG được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng do ông Phạm Nhật Vũ là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Danh sách cổ đông gồm 5 cổ đông là Công ty Viễn thông và truyền hình An Viên; BIDV; Công ty dịch vụ truyền thanh truyền hình Hà Nội; Công ty TNHH sản xuất chương trình nghe nhìn Nhân Văn; Công ty cổ phần tổ chức biểu diễn Venus. 

Đến năm 2015, AVG tăng vốn điều lệ lên 3.628 tỷ đồng trong đó Công ty cổ phần Viễn thông và truyền hình An Viên nắm giữ 391,3 tỷ đồng; chiếm 10,78%; Công ty TNHH giải pháp tích hợp công nghệ cao nắm giữ 110,6592 tỷ đồng chiếm 3,05% và các cổ đông cá nhân chiếm 86,17%.

Mobifone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG. Giá trị thương vụ trên 5.000 tỷ đồng.

Ngày 20/3/2015, khi Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý về chủ trương, Mobifone và AVG ký biên bản ghi nhớ. Để thực hiện dự án, Lê Nam Trà – Chủ tịch HĐTV và Cao Duy Hải, Tổng giám đốc Mobifone đã thành lập các Tổ giúp việc giao cho các phó tổng giám đốc quản lý. Phạm Thị Phương Anh phụ trách các thủ tục mua lại doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình; Nguyễn Bảo Long thẩm định kỹ thuật và Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá kinh doanh truyền hình.

Mobifone ký hợp đồng tư vấn với Công ty VCBS để thẩm định giá trị và tư vấn M&A. VCBS đã thuê Công ty kiểm toán AASC và Công ty TNHH Định giá Hà Nội – TPHCM (Hanoi Valu), xác định AVG tại thời điểm 31/3/2015 là 33.299,48 tỷ đồng. Do VCBS không có chức năng thẩm định nên Mobifone ký với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX. AMAX xác định giá trị AVG theo 2 phương pháp tài sản là 16.565 tỷ đồng và thu nhập là 17.184 tỷ đồng. 

Mobifone sử dụng kết quả thẩm định của AMAX để đàm phán giá với tổng mức đầu tư là 11.700 tỷ đồng.

Ngày 18/9/2015, Mobifone và AVG đã tổ chức họp, thống nhất giá mua, bán đề xuất là 11.371 tỷ đồng gồm 8.898,3 tỷ đồng là tiền mua 95% cổ phần và 2.4732 tỷ đồng mua lại 2 tài sản ngoài lĩnh vực truyền hình. 

Sau 5 lần đàm phán, ngày 25/12/2015, Mobifone ký hợp đồng chuyển nhượng 95% cổ phần. Chỉ trong vòng 19 ngày Mobifone đã thanh toán 8.445,3 tỷ đồng. 

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng khai nhận, báo cáo định giá của Công ty AMAX có phần thẩm định phương án kinh doanh của AVG, Tổng giám đốc yêu cầu tổ đánh giá kinh doanh xem xét phần kinh doanh. Một số báo cáo, bị cáo có lại lấy tư liệu của VCBS trong đó đánh giá tổng thị trường năm 2020 là 2,047 tỷ USD.

“Theo phân công, chúng tôi có đánh giá khảo sát trên tư liệu của AVG cung cấp và tư liệu của tư vấn. Tôi kết luận là tôi không có nhiều kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh truyền hình và đề xuất thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp. Nhưng Tổng giám đốc kết luận là cứ chấp nhận các số liệu từ các báo cáo và kèm theo đề xuất của tôi đưa vào báo cáo”, bị cáo Hùng khai.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận ký vào quyển dự án, biên bản họp nhưng không họp, chỉ ký để hoàn thiện thủ tục. “Khi dự án sai thì tôi có trách nhiệm”, bị cáo Hùng khai.

Bị cáo Nguyễn Bảo Long khai nhận, dự án có thiệt hại làm mất vốn nhà nước nhưng bị cáo xác định phần công nghệ đã làm đúng theo chỉ đạo. “Phần ký vào các văn bản, quyển dự án bị cáo có thiếu sót nhất định”, bị cáo Long nói thêm

Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, nguyên Phó Tổng giám đốc Mobifone khai nhận được giao chỉ đạo lập dự án. Bị cáo có tham gia một số cuộc họp.

 “Trước khi họp nửa tiếng bị cáo mới được văn phòng báo tham gia cuộc họp với lãnh đạo Bộ, có AVG. Lên đến họp, bị cáo mới biết các khoản đầu tư ngoài ngành, về giá mua bị cáo về trước, không có ý kiến gì. Cuộc họp tiếp đó, bị cáo có kiến nghị làm 2 bước để giãn tiến độ nhưng không được đồng ý. Cuộc họp sau bị cáo đề nghị tính toán thận trọng. Bị cáo có ký vào quyển dự án.

 Khi thanh toán 5% cuối cùng bị cáo kiên quyết phản đối. Bị cáo đã kiến nghị để làm đúng không xảy ra sai phạm nhưng họ không đồng ý”, bị cáo Nguyên khai thêm.

Bị cáo Nguyên thừa nhận không có văn bản phản đối riêng. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư