Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Xin rút kinh nghiệm” với hợp đồng trị giá 1.600 tỷ đồng
Thanh Hương - 31/07/2018 08:42
 
Cho rằng mua 3.000 bộ linh kiện xe tải Hyundai HD trị giá 1.600 tỷ đồng là cần thiết và không vi phạm quy định nào, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) xin nghiêm túc rút kinh nghiệm

Không cần xin ý kiến HĐQT?

Theo giải trình của Tổng giám đốc VEAM, việc quyết định cho Công ty Veam Motor (VM) mua 3.000 bộ linh kiện xe HD là để tạo việc làm và đảm bảo đời sống cho người lao động, doanh thu của doanh nghiệp.

Tại thời điểm ký hợp đồng năm 2017, tổng tài sản của VEAM là trên 17.000 tỷ đồng. Trong giải trình của ông Trần Ngọc Hà, Tổng giám đốc VEAM với Bộ Công thương - cổ đông đại diện cho Nhà nước đang nắm giữ 88,47% vốn điều lệ cho hay có viện dẫn Luật Doanh nghiệp (Điều 149 và Điều 153) và Điều lệ của VEAM (Điều 35 và Điều 46), để giải thích câu chuyện này.

Theo đó, Tổng giám đốc được ký các hợp đồng liên quan đến sản xuất kinh doanh hàng của Tổng công ty ở dưới mức 25% tổng tài sản nói trên, mà không cần phải có quyết định của HĐQT. Việc Tổng giám đốc đồng ý để Nhà máy ô tô VEAM ký hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện có giá trị 1.600 tỷ đồng, thấp xa so với mức 4.250 tỷ đồng là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tổng giám đốc. Mặt khác, việc mua hàng chỉ phải đặt cọc 5% - tương đương 80 tỷ đồng, còn 95% là mua trả nợ dần theo kế hoạch bán hàng trong năm 2018, nên chủ yếu không dùng vốn của Tổng công ty.

“Việc này không vượt quá thẩm quyền của Tổng giám đốc, không gây thất thoát hay tồn tại gì, chủ yếu không dùng vốn của VEAM nên không ứ đọng vốn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, Tổng giám đốc khi đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM ký hợp đồng lô hàng này này đã không thể hiện ý kiến hay ủy quyền bằng văn bản, là có thiếu sót về mặt thủ tục hành chính và xin được nghiêm túc rút kinh nghiệm”, ông Hà cho biết.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của VEAM vào cuối tháng 6/2018, khi được chất vấn về vấn đề này, ông Hà đã cho hay, thông thường, tồn kho định mức của Nhà máy ô tô VEAM từ 2.000 - 2.500 xe.

“Chính sách của nhà nước từ ngày 01/01/2018 sẽ không được sản xuất xe tải có tiêu chuẩn khí thải Euro 2, trong khi đó lại không hạn chế về thời gian bán xe Euro 2. Mặt khác, nhận thấy nhu cầu của khách hàng đối với dòng xe tải Hyundai Mighty tiêu chuẩn Euro 2 còn nhiều và xe có tiêu chuẩn Euro 4 thường đắt hơn từ 15 - 20%, kỹ thuật bảo hành khó khăn hơn. Trước cơ hội đó, Tổng giám đốc quyết định ký các hợp đồng mua bán 3.000 xe này với giá trị là 1.600 tỷ đồng theo phương thức mua nợ, không phải dùng vốn và chỉ đặt cọc 5% tương đương 80 tỷ đồng. Việc này không trái so với Điều lệ của VE AM đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua năm 2017.

Lãi 112 tỷ đồng

Theo công bố của VEAM, hiện lô hàng đã bán được 1.000 chiếc và sẽ bán nốt trong năm 2018. “Sau khi trừ tất cả các chi phí, ước tính lãi khoảng 112 tỷ đồng, bình quân lãi khoảng 37 triệu đồng/xe”, ông Hà cho biết.

Lẽ dĩ nhiên chỉ khi nào bán hết lô hàng mới có con số chính xác kết quả kinh doanh lãi lỗ thực tế. 

Nhà cung cấp chính xe tải Hyundai cho thị trường Việt Nam hiện nay là Công ty Hyundai Thành Công Xe Thương Mại (HTCV) đang ở trong giai đoạn chuẩn bị đưa ra mẫu xe tải có động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và không còn xe tải đời cũ để bán. Trước đó, dòng xe tải của Hyundai Thành Công bán được bình quân 600 xe/tháng.

Được biết, so với các xe tải động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 có giá đắt hơn khoảng 85 - 100 triệu đồng/chiếc.

Nhà đầu tư chưa mặn mà với cổ phiếu VEAM
Doanh thu, lợi nhuận ngàn tỷ đồng, sở hữu cổ phần tại những liên doanh lắp ráp ô tô, xe máy lớn, nhưng phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư