Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xin Thủ tướng loại PVC khỏi dự án nhiệt điện tỷ USD
Lương Bằng (Vietnamnet) - 26/12/2017 10:22
 
Nguồn tin của PV cho biết, lo ngại nhà thầu là Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có văn bản cáo cáo Thủ tướng cho phép loại nhà thầu PVC khỏi dự án nhiệt điện tỷ đô.
Phối cảnh Dự án nhiệt điện Quảng Trạch I
Phối cảnh dự án nhiệt điện Quảng Trạch I

Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 gồm 2 tổ máy có quy mô công suất 2x600 MW thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch (Quảng Bình). Dự án ban đầu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, nhưng sau đó PVN bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo chỉ đạo vào tháng 10/2016.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tháng 9/2017 đã điều chỉnh và phê duyệt dự án, với tổng mức đầu tư là hơn 42 nghìn tỷ đồng.

Theo quy hoạch điện VII, kế hoạch phát điện Tổ máy số 1 và số 2 tương ứng là các năm 2021 và 2022.

Năm 2011, trong giai đoạn PVN làm chủ đầu tư dự án, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, PVN đã chỉ định và ký hợp đồng cho PVC làm tổng thầu mua sắm, lắp đặt, xây dựng và vận hành, chạy thử nhà máy.

Đến tháng 4/2012, PVN đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thay đổi Tổng thầu từ PVC thành liên doanh PVC - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), trong đó PVC là nhà thầu đứng đầu liên danh.

Sau đó, trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận cho liên danh PVC - Lilama làm tổng thầu thực hiện gói thầu EPC dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1, trong đó PVC là nhà thầu đứng đầu liên danh.

Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Sau hơn 4 năm, PVN vẫn chưa ký hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu PVC - Lilama, dẫn đến dự án đã không thể triển khai theo tiến độ.

Thời gian để tổ máy số 1 dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 đi vào phát điện là năm 2021. Thời hạn này còn rất ngắn, chỉ khoảng 50 tháng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay: để xây dựng tổ máy số 1, từ khi khởi công đến khi phát điện, theo kinh nghiệm của các dự án nhiệt điện khác là 46 tháng. Vì vậy, để đáp ứng tiến độ phát điện kể trên, dự án phải được khởi công trước 28/2/2018.

“Mốc tiến độ khởi công và phát điện nêu trên là khó khả thi nếu dự án không được áp dụng cơ chế đặc thù”, EVN cho hay.

Đáng chú ý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng: Đến thời điểm hiện tại, EVN đã sơ bộ đánh giá và thấy rằng nhà thầu đứng đầu liên danh PVC không đủ năng lực để thực hiện gói thầu này.

Cụ thể, về năng lực tài chính của PVC, dẫn đánh giá của Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam, EVN cho hay: Lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2016 khoảng 2.888 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 561 tỷ đồng và các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của Tổng công ty trong 12 tháng tới.

Ngoài ra, về uy tín, EVN đánh giá: Hiện nay PVC đang thực hiện một số dự án với vai trò nhà thầu/hoặc nhà thầu đứng đầu liên danh nhưng các công trình do PVC đang triển khai đều gặp khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nhiên liệu sinh học Dung Quất, nhiên liệu sinh học Phú Thọ,...

Vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định: Năng lực và uy tín của PVC không thể đảm bảo là nhà thầu đứng đầu liên danh tổng thầu EPC nhiệt điện Quảng Trạch 1. Thực tế, sau 4 năm kể từ ngày Văn phòng Chính phủ có thông báo (để PVC đứng đầu liên danh nhà thầu), PVN đã không thể ký hợp đồng tổng thầu EPC với liên danh nhà thầu PVC - Lilama.

EVN kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép không sử dụng liên danh PVC - Lilama mà sẽ xem xét, đề xuất tổ hợp nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và uy tín để có thể thực hiện đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án.

Ngoài ra, EVN kiến nghị được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu, thông qua đàm phán trực tiếp để lựa chọn nhà thầu EPC.

Được biết, đề xuất này của EVN đang được các bộ ngành cho ý kiến.

Ban hành quy định mới trong lĩnh vực dầu khí
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định quy định việc thu dọn các công trình, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí (sau đây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư