Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xu hướng du lịch bền vững
Đức Hạnh - 19/07/2023 22:16
 
Hơn 5.000 cơ sở lưu trú nhận được huy hiệu du lịch bền vững và 97% du khách Việt mong muốn được tham gia các chuyến du lịch bền vững trong tương lai đã chứng minh, loại hình du lịch này đang dần thay thế các hình thức khác để trở nên phổ biến và được ưa chuộng tại Việt Nam.
Du khách có xu hướng lựa chọn các chuyến du lịch “xanh”, du lịch bền vững ngày càng nhiều hơn

Du lịch bền vững không còn là xu hướng nhất thời 

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư công nghệ sinh học, nhưng Đinh Thu Hương không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo, mà quyết định rẽ sang hướng khác khi lựa chọn khởi nghiệp ở mảng du lịch. Hương hiện là chủ sở hữu Lalita Tam Coc Resort & Spa, một cơ sở nghỉ dưỡng xinh đẹp nằm gần khu du lịch Tam Cốc (Ninh Bình), vừa được trao huy hiệu du lịch bền vững từ Booking.com.

Hương cho biết, những kiến thức trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã tác động rất lớn tới tư duy về sản phẩm và phát triển mô hình du lịch của cô.

“Tôi luôn đặt yếu tố môi trường, con người và sự thân thiện với môi trường lên hàng đầu khi lựa chọn địa điểm phát triển kinh doanh. Đó là lý do khiến tôi quyết định xây khu nghỉ dưỡng tại một địa điểm cách xa thành phố, khu dân cư, hoàn toàn yên tĩnh và được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi, cảnh sắc thiên nhiên đặc trưng của vùng đất Ninh Bình”, Hương chia sẻ.

Không chỉ hạn chế bê tông hóa trong thiết kế để không ảnh hưởng tới cảnh quan xung quanh, Lalita Tam Cốc cũng rất chú trọng tiết kiệm các nguồn năng lượng và hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Khu nghỉ dưỡng chỉ sử dụng tối đa 80% công suất đèn led, dẫn mạch nước ngầm tự nhiên từ trên núi xuống sử dụng, khuyến khích du khách dùng khăn vải lau tay thay cho khăn giấy và dùng xe đạp để tham quan thay cho xe máy hoặc ô tô.

Yếu tố bền vững còn thể hiện ở việc tập trung phát triển nguồn lực về con người với các khóa đào tạo được tổ chức thường xuyên, ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực địa phương và cung cấp điều kiện làm việc tốt cho họ.

“Chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi vận hành theo hướng bền vững”, cô chủ Lalita Tam Cốc nói.

Có thể thấy, du lịch bền vững không còn là xu hướng nhất thời, mà đã trở thành yêu cầu với đại đa số khách du lịch trên toàn cầu và cả Việt Nam.

Theo Báo cáo du lịch bền vững 2023 do nền tảng Booking.com thực hiện dựa trên kết quả khảo sát 33.000 du khách đến từ 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, 80% du khách khẳng định, du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ.

Trong đó, 97% khách du lịch Việt Nam tham gia khảo sát muốn đi du lịch bền vững trong vòng 1 năm tới. 75% trong số đó sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận, như một cách để bảo đảm chắc chắn rằng, họ đang tạo ra ảnh hưởng tích cực.

Báo cáo cũng cho biết, du khách Việt đang chủ động tìm kiếm các chương trình tích điểm, khách hàng thân thiết, giảm giá, đi kèm với lựa chọn du lịch bền vững. 79% cho biết, họ cảm thấy an tâm hơn khi ở tại một cơ sở lưu trú được trao chứng nhận, hoặc có huy hiệu bảo đảm cho tính bền vững.

Những thay đổi trong thói quen du lịch này cũng đòi hỏi các điểm đến và cơ sở lưu trú phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng.

Không còn là khẩu hiệu

Với hơn 5.000 cơ sở lưu trú nhận được huy hiệu du lịch bền vững của Booking, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số lượng cơ sở lưu trú đạt huy hiệu.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình bình thường sang mô hình hoạt động theo hướng bền vững tiêu tốn một khoản chi phí nhất định, mà không phải cơ sở lưu trú nào cũng sẵn sàng chấp nhận nếu chưa nhìn thấy lợi ích. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 38.000 cơ sở lưu trú, nhưng chủ yếu là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ.

Hiện có hơn 550.000 cơ sở lưu trú trên toàn thế giới nhận huy hiệu du lịch bền vững của Booking.com. Trong đó, Việt Nam có hơn 5.000 cơ sở, tập trung chủ yếu ở các điểm đến tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An, Phú Quốc, Quy Nhơn, Hạ Long, Vũng Tàu.

Tại buổi họp tham vấn khởi động Dự án Swiss Tourism for Sustainable Development in Vietnnam (ST4SD) mới đây, ông Kenneth Wood, Giám đốc ST4SD nhận định: “Phát triển du lịch không có sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân giống như phát triển y tế không có sự tham gia của y, bác sĩ. Bởi vậy, các dự án hỗ trợ chuyển đổi mô hình cần đưa ra kế hoạch đồng bộ với sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và khối doanh nghiệp”.

ST4SD là dự án do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ  tài trợ nhằm phát triển các mô hình du lịch bền vững tại một số địa phương ở Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2027.

Ông Kenneth chia sẻ thêm, Dự án không đặt tham vọng thay đổi mô hình hoạt động của các tập đoàn lớn, vì họ có lối đi riêng, mà sẽ tập trung vào khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vận hành ngành du lịch.

Mặc dù còn một số vướng mắc, nhưng sự chuyển đổi sang mô hình du lịch bền vững vẫn đang diễn ra từ từ tại Việt Nam, bắt đầu từ sự thay đổi trong ý thức của khách du lịch. 

Ông Đặng Xuân Sơn, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm Việt Nam nhận định: “Du lịch bền vững là một lựa chọn cấp thiết tại Việt Nam, để truyền cảm hứng và tạo động lực bảo vệ môi trường, xóa bỏ các dấu chân carbon và để lại những bài học về bảo tồn giá trị văn hóa cộng đồng. Nếu tạo dựng được thương hiệu du lịch bền vững, Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều khách quốc tế”.

Thiết lập xu hướng phát triển du lịch bền vững
Covid-19 khiến cả du khách và các cơ quan quản lý ngành kinh tế xanh bừng tỉnh, quan tâm tới du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư