Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Xử lý nợ xấu, chẳng phải việc riêng của ngân hàng
Mạnh Bôn - 07/06/2017 14:46
 
Nợ xấu đã trở thành quốc nạn, không phải là vấn đề của riêng ngành ngân hàng mả của cả xã hội, đã và đang kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Tất cả các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), sáng nay, ngày 7/6/2017, đều đồng tình phải ban hành một nghị quyết về vấn đề này.

Bởi theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, ông Đỗ Văn Sinh, thì nợ xấu đã trở thành quốc nạn, không phải là vấn đề của riêng ngành ngân hàng mả của cả xã hội, đã và đang kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Đồng tình ban hành nghị quyết

Từ năm 2012 đến hết năm 2016, mặc dù các TCTD đã xử lý được 606.000 tỷ đồng nợ xấu bằng nhiều giải pháp khác nhau như “tự xử”, bán cho VAMC, bán cho tổ chức, cá nhân khác.

“Nhưng trên thực tế, khoản nợ bán cho VAMC được xử lý rất ít, thực ra là “đánh bùn sang ao”, nên trên thực tế tỷ lệ nợ xấu vẫn còn rất cao, chiếm 10,8% tổng dư nợ”, vì vậy, Quốc hội dứt khoát phải ban hành nghị quyết để xử lý triệt để nợ xấu, vì nợ xấu đã trở thành quốc nạn, dù nợ xấu đến từ bất cứ nguyên nhân nào”, ông Sinh bày tỏ chính kiến.

.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Sơn thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cũng đồng tình với việc phải có nghị quyết xử lý nợ xấu. Theo ông, nợ xấu không chỉ là nỗi lo của hệ thống ngân hàng, mà của cả nền kinh tế; trách nhiệm xử lý nợ xấu không phải của hệ thống ngân hàng mà là của nhiều cơ quan liên quan. Nếu không xử lý được thì khó lòng khơi thông được nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù đồng tình với việc phải ban hành nghị quyết xử lý nợ xấu, nhưng Đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng, Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu mới xử lý được phần ngọn, tức là mới xử lý được số nợ xấu phát sinh mà chưa có cơ chế để xử lý phần gốc - nguyên nhân gây ra nợ xấu.

“Nợ xấu ngoài nguyên nhân khách quan như hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn; thiên tai, hạn hán, hỏa hoạn... còn có nguyên nhân chủ quan như nhiều nhà băng cho vay dưới chuẩn, định giá tài sản bảo đảm cao hơn rất nhiều thực tế; khách nợ cố tình sử dụng một tài sản làm đảm bảo khoản tiền vay tại nhiều ngân hàng... Tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu, cuối cùng Quốc hội, Chính phủ phải xử lý là bất hợp lý, nhưng cũng buộc phải làm vì không thể để cục máu đông làm nghẽn dòng chảy tín dụng. Vấn đề là đồng thời với xử lý nợ xấu, phải xử lý cả nguyên nhân gây ra nợ xấu”, ông Diến nhấn mạnh.

Thảo luận về nội dung này, Đại biểu Trương Anh Tuấn, Đinh Duy Vượt, Nguyễn Ngọc Hải, Đỗ Thị Lan… cũng như các đại biểu Quốc hội khác đều đồng tình phải ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, ông Vượt đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải thống kê toàn bộ số nợ xấu, dự tính số nợ có khả năng trở thành nợ xấu để xử lý triệt để. “Nếu không, sau vài năm, nợ xấu lại tăng, chỉ cần mỗi năm tăng 1-2% đã bằng tổng số vốn của nhiều nhà băng cộng lại”, ông Vượt tính toán.

“Vài năm trước, năm nào Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo nợ xấu đã giảm, như tỷ lệ nợ xấu vào thời điểm 31/12/2015 chỉ còn 2,55% và đến cuối năm 2016 còn 2,46%, nhưng giờ cần xử lý bằng một nghị quyết của Quốc hội thì lại báo cáo nợ xấu thực chất lên đến 10,8%. Cần phải làm rõ thực chất số nợ xấu là bao nhiêu để có giải pháp xử lý hữu hiệu”, bà Lan đề nghị.

Phạm vi xử lý nợ xấu đến đâu

Theo Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD thì chỉ xử lý khoản nợ xấu phát sinh đến 31/12/2016 và thời gian xử lý là 5,5 năm (đến 1/7/2022).

Ông Đỗ Văn Sinh cho rằng, nếu xử lý như vậy là không triệt để, vì bình quân mỗi năm nợ xấu phát sinh thêm 1,3% trên tổng dư nợ cho vay, giả sử toàn bộ số nợ xấu đến thời điểm 31/12/2016 được xử lý hết thì khi Nghị quyết hết hiệu lực tỷ lệ nợ xấu cũng tương đương cỡ 7,15%.

“Thời hạn xử lý nợ xấu 5,5 năm là phù hợp, nhưng để xử lý tận gốc nợ xấu, Nghị quyết cho phép xử lý cả khoản nợ xấu phát sinh đến 30/6/2022”, ông Sinh đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Sơn cũng đồng tình với hiệu lực của Nghị quyết là 5,5 năm, nhưng ông cho rằng, xử lý nợ xấu là công việc thường xuyên, liên tục, vì vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý nợ xấu phát sinh kể từ 1/1/2017 trong trường hợp Nghị quyết chỉ xử lý đối với nợ xấu phát sinh đến 31/12/2016.

Theo quan điểm của ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cần phải xác định rõ mục tiêu của Nghị quyết hướng đến đối tượng nào. Nếu hướng đến hệ thống ngân hàng thì phải xử lý cả các khoản nợ phát sinh đến hết thời điểm Nghị quyết có hiệu lực (30/6/2022), còn nếu hướng đến VAMC thì chỉ cần xử lý khoản nợ phát sinh đến 31/12/2016.

“Phải xác định rõ Nghị quyết hướng vào đâu để quyết định xử lý khoản nợ phát sinh đến thời điểm nào”, ông Cường gợi ý.

Tuy nhiên, một số ý kiến phát biểu về nội dung này lại cho rằng, chỉ xử lý nợ xấu phát sinh đến 31/12/2016 vì lo ngại, nếu mở rộng phạm vi xử lý, các TCTD “đắm đò nhân thể giặt mẹt” bằng cách đưa cả các khoản nợ bình thường vào nợ xấu để mạnh tay xử lý.

“Phạm vi xử lý nợ xấu như Nghị quyết là phù hợp với tình hình thực tế. Bởi nợ xấu phát sinh trong thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân khách quan, cần phải xử lý. Nếu cho phép xử lý cả khoản nợ phát sinh từ 1/1/2017, nhiều ngân hàng sẽ chuyển nợ bình thường thành nợ xấu, lạm quyền thu giữ tài sản của tổ chức, cá nhân có nợ xấu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của không ít, tổ chức, cá nhân”, Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân lên tiếng.

“Không một ngân hàng nào muốn xảy ra nợ xấu. Bởi tỷ lệ nợ xấu cao sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Hơn nữa, nợ xấu được phân thành 5 nhóm nợ, đều có tiêu chuẩn, quy định rõ ràng nên không phải muốn đưa khoản nợ nào vào nợ xấu cũng được. Vì vậy, hoàn toàn có thể yên tâm nếu Nghị quyết cho phép xử lý cả nợ xấu phát sinh đến 30/6/2022”, Giám đốc Agribank Hà Giang, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, ông Nguyễn Ngọc Hải trấn an các đại biểu Quốc hội lo ngại ngân hàng tự ý chuyển nợ bình thường thành nợ xấu nếu Quốc hội cho phép mở rộng phạm vi xử lý nợ xấu.

Xử lý nợ xấu: Người cho vay bị khởi tố bắt giam, con nợ vẫn ung dung thách đố
Xử lý nợ xấu luôn là ưu tiên hàng đầu của hệ thống ngân hàng, bởi nền kinh tế còn phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng. Nếu nợ xấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư