Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cần nhanh, mạnh hơn trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu
Trong quá trình tái cơ cấu có thể thấy, xử lý nợ xấu là một bước đột phá, là xuất phát điểm có ý nghĩa thực tiễn, làm khởi động và tăng tốc cho quá trình tái cơ cấu đạt đến mục đích nhanh hơn.
Điểm đặc thù của Việt Nam là không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu
Điểm đặc thù của Việt Nam là không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả bước đầu, tránh được nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng thương mại, phục hồi khả năng thanh toán, xử lý từng bước tình trạng sở hữu chéo, nợ xấu đã được nhận dạng và kiểm soát, mở ra khả năng cung ứng vốn tín dụng khá bình thường cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo của quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, xác định được những trọng tâm, trọng điểm để có các giải pháp khả thi, hiệu quả, quyết đoán có ý nghĩa rất quan trọng.

Xác định, tìm kiếm các nguồn lực phục vụ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một quá trình khá bao quát, bao gồm chấn chỉnh, củng cố, nâng cao hiệu quả trong quản trị, điều hành các ngân hàng thương mại nhằm đạt đến một hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, có năng lực tài chính vững mạnh, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ nhằm phục vụ các yêu cầu thanh toán, đầu tư, tăng trưởng của nền kinh tế.

Xử lý nợ xấu là cách thức làm cho một lượng lớn tài sản tài chính bị bất động từ các khoản nợ cho vay không thu hồi, hoặc chưa thu hồi được trở nên có thanh khoản trên thị trường. Trong quá trình tái cơ cấu có thể thấy, xử lý nợ xấu là một bước đột phá, là xuất phát điểm có ý nghĩa thực tiễn, làm khởi động và tăng tốc cho quá trình tái cơ cấu đạt đến mục đích nhanh hơn.

Không sử dụng ngân sách nhà nước như một số quốc gia trên thế giới để tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, Việt Nam trong điều kiện cân đối ngân sách khó khăn, thì việc tìm kiếm các nguồn lực tài chính để phục vụ cho quá trình này chỉ có thể tìm ra trong các dư địa của chính sách tiền tệ. Điều này không chỉ bởi dư địa của chính sách tài khóa đã quá hạn hẹp, mà còn bởi do cấu trúc của thị trường tài chính Việt Nam, ở đó sự luân chuyển vốn về cơ bản là ngắn hạn.

Việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam có thể khái quát bằng 2 giải pháp cơ bản, đó là các ngân hàng tự xử lý và Nhà nước hỗ trợ xử lý thông qua mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Việc các tổ chức tín dụng tự xử lý thông qua trích lập dự phòng rủi ro đã khiến cho lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thấp xuống, làm ảnh hưởng đến năng lực tài chính của các ngân hàng này.

Việc gom nợ xấu về VAMC có thể khiến cho lý lịch nợ xấu trên sổ sách của các ngân hàng thương mại nhẹ nhàng hơn
Việc gom nợ xấu về VAMC có thể khiến cho lý lịch nợ xấu trên sổ sách của các ngân hàng thương mại nhẹ nhàng hơn
Việc mua bán nợ xấu qua VAMC đã đạt được kết quả bước đầu là làm cho lý lịch nợ xấu trên sổ sách của các ngân hàng thương mại nhẹ nhàng hơn, để giúp họ có thêm điều kiện cung ứng nhiều hơn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Nhưng với việc mua bán nợ xấu theo giá sổ sách, chứ không phải là theo quan hệ cung - cầu và giá cả thị trường thì những khoản nợ xấu nằm ở VAMC cần phải được tiếp tục xử lý triệt để hơn.

Vấn đề là làm sao tạo ra một dòng tiền nhằm tái tạo dòng vốn bất động trong nợ xấu, trong bối cảnh chưa có một thị trường mua bán nợ và sức cầu đủ lớn của thị trường bất động sản, thì việc tìm kiếm nguồn lực tạm ứng cho việc mua bán nợ xấu là một gợi mở quan trọng cho việc đi kiếm nguồn lực đã nêu ở trên.

Điều gì xảy ra khi nợ xấu mua theo giá thị trường?

Để mua bán nợ xấu thực chất hơn thì các khoản mua bán này phải được thanh toán trả ngay. Trong thực tế, vấn đề nổi lên là khi mua bán trả ngay theo giá thị trường, phần lớn các giá trị tài sản đảm bảo thấp hơn nhiều so với nợ gốc và lãi vay. Số chênh lệch âm này cần xử lý ra sao nếu như không được phân bổ trong một khoảng thời gian tương đối dài từ 5-10 năm, đồng thời các ngân hàng khi xử lý nợ xấu lại đứng trước khó khăn về khả năng tài chính?

Một vấn đề nữa là khi VAMC “mua đứt, bán đoạn” các khoản nợ xấu, thì bài toán đặt ra là làm sao để VAMC có thể bán lại các tài sản nợ xấu này và thu hồi được vốn? Đây là một chủ đề khá nhạy cảm, xem như là nút thắt cần phải được tháo gỡ để xử lý nợ xấu mạnh hơn và triệt để hơn.

Hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý giúp cho ngân hàng là người cho vay, hay VAMC là người mua lại nợ xấu từ các khoản vay có đầy đủ quyền năng nắm giữ tài sản, không qua các thủ tục tố tụng vốn dĩ mất nhiều thời gian, để đưa ra định giá và phát mại, là một trong những nội dung quan trọng mà quá trình hoàn thiện pháp luật sẽ phải nhắm tới càng nhanh càng tốt.

Trong hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, để đảm bảo ổn định an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và quá trình tái cơ cấu diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn, Ngân hàng Nhà nước cần được trao nhiều quyền năng hơn khi cung ứng các khoản tín dụng cho hệ thống ngân hàng, chẳng hạn thông qua việc chiết khấu bằng tiền mặt cho các trái phiếu VAMC. Các chi phí trong điều hành chính sách tiền tệ cần được nhìn nhận một phần như là chi phí của quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Áp dụng khẩn trương các chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế

Hoạt động ngân hàng thương mại luôn gắn với rủi ro. Bên cạnh những rủi ro truyền thống về các loại nghiệp vụ và thị trường, trong hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn chứng kiến khá phổ biến những rủi ro về đạo đức. Tình trạng sở hữu chéo, hạch toán thiếu các chuẩn mực khoa học, phân bổ tín dụng có phần lệch lạc… là những vấn đề nổi lên cơ bản cần chấn chỉnh, khắc phục trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.

Dù cho tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đạt được những thành công nhất định, thì những rủi ro tiềm tàng trong hoạt động ngân hàng vẫn luôn hiện hữu. Những thách thức buộc các ngân hàng thương mại Việt Nam phải cập nhật và hoàn thiện để ứng phó với một thị trường tài chính hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, đòi hỏi hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam phải được quản trị theo các thông lệ quốc tế hiện đại.

Đây là một loại kỷ luật khắc nghiệt cần phải được nghiêm túc thực hiện. Dĩ nhiên, cách tiếp cận là linh hoạt và phân chia khả năng thích ứng với từng nhóm, loại ngân hàng. Nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là những rủi ro như đã nêu trên buộc quá trình tái cơ cấu phải đi song hành trong áp dụng các chuẩn mực và kỷ luật quản trị nghiêm khắc hơn, khoa học hơn, thời đại hơn.

Xử lý nợ xấu: Người cho vay bị khởi tố bắt giam, con nợ vẫn ung dung thách đố
Xử lý nợ xấu luôn là ưu tiên hàng đầu của hệ thống ngân hàng, bởi nền kinh tế còn phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng. Nếu nợ xấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư