Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Xử lý nợ xấu: Đại biểu Quốc hội lo tâm lý ỷ lại, ngân hàng bức xúc chuyện "quỳ thu nợ"
Hà Tâm - 06/06/2022 09:38
 
Trong khi một số đại biểu Quốc hội lo ngại việc kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ tạo tâm lý ỷ lại cho ngân hàng, thì các ngân hàng thương mại lại tỏ ra bức xúc vì hành lang cho xử lý nợ xấu còn yếu, không bảo vệ được quyền chủ nợ.
Hoạt động ngân hàng luôn có nợ xấu và đây là lý do các nước trên thế giới đều đưa ra quy định chặt chẽ về xử lý nợ xấu.

Không có chuyện ngân hàng ỷ lại, lợi dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội mới đây, một số đại biểu băn khoăn lo lắng, việc kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ tạo tâm lý ỷ lại cho các ngân hàng thương mại. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã thực hiện được 5 năm, những khoản nợ xấu còn lại đến thời điểm này không chỉ là xấu, mà quá xấu.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) e ngại, việc kéo dài cơ chế tại Nghị quyết 42/2017/QH14  sẽ tạo ra sự ỷ lại, cũng như tạo một tâm lý cho các ngân hàng thương mại rằng, kinh doanh có lãi, hiệu quả thì hưởng, còn lỗ, nợ thì đã có Nhà nước lo.  

Theo lãnh đạo một ngân hàng TMCP, không ngân hàng nào muốn có cơ chế “đặc quyền” để xử lý nợ xấu, mà chỉ mong có hành lang pháp lý công bằng, đủ mạnh để người vay có trách nhiệm trả nợ, quyền của chủ nợ được bảo đảm. Hoạt động ngân hàng luôn có nợ xấu, đây là lý do các nước trên thế giới đều đưa ra quy định chặt chẽ về xử lý nợ xấu.

“Trong khi đó, ở nước ta, trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời, có tình trạng vô lý là ngân hàng luôn ‘đứng cho vay, quỳ thu nợ’, chỉ vì hàng lang pháp lý hầu như bỏ mặc quyền chủ nợ, khiến con nợ chây ỳ. Chúng tôi mong pháp luật nghiêm minh với tất cả các bên tham gia hoạt động tín dụng, cả bên đi vay lẫn cho vay, không mong bất kỳ đặc quyền nào”, vị lãnh đạo ngân hàng trên bức xúc.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng khẳng định, không ngân hàng nào muốn lợi dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 để che giấu nợ xấu. Sở dĩ Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời là do các luật liên quan đến xử lý nợ xấu như Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Kinh doanh nhà ở... có nhiều nội dung bất cập, thậm chí nhiều quy định phần nào đó bảo vệ người đi vay nhiều hơn, dẫn tới ngành ngân hàng rất khó khăn trong việc thu nợ. Nghị quyết 42/2017/QH14 đã được ban hành trên cơ sở rà soát những vướng mắc và đưa ra nội dung phù hợp với thực tiễn, chứ không phải để tạo đặc quyền cho ngân hàng.

“Tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ đánh giá thực tế hiện nay để nếu không ban hành được một luật về xử lý nợ xấu, thì cũng nên sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan để bảo vệ quyền, trách nhiệm của chủ nợ và của người vay. Hiện nay, quá trình đi đòi nợ, xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng quá vất vả. Bên đi vay nắm được quy định pháp luật, nên cố tình tạo ra tranh chấp để kéo dài quá trình xử lý nợ. Hành lang pháp lý để ngân hàng xử lý nợ chưa đủ mạnh, trong khi nhiều người vay vẫn thiếu ý thức về trách nhiệm trả nợ”, ông Hùng nói.   

Luật hóa nợ xấu chậm nhất năm 2023?

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng, Nghị quyết 42/2017/QH14 có tác động rất tích cực với hệ thống ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Cụ thể, trong tổng số nợ xấu đã xử lý giai đoạn 2017 - 2021 là 750.000 tỷ đồng, thì xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 chiếm hơn 50%.

Tuy vậy, các vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu còn rất nhiều, đặc biệt là việc thu giữ và chuyển nhượng tài sản vẫn rất khó khăn. Một số chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong việc bảo vệ người cho vay...

Chính vì vậy, các ngân hàng thương mại cho rằng, để xử lý nợ xấu thật sự đạt hiệu quả, rất cần các bộ, ngành cùng vào cuộc đánh giá, có kiến nghị bổ sung đối với những luật có nội dung liên quan đến Nghị quyết 42/2017/QH14, hoặc ban hành một luật riêng về xử lý nợ xấu, mang tính đặc thù, xuyên suốt, thì mới có đủ hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, không chỉ gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14, đây còn là thời điểm mà Chính phủ cần rà soát tổng thể các quy định về xử lý nợ xấu để sửa đổi dứt điểm, giảm gánh nặng chi phí về xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ phân công nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, đề xuất nội dung luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 và rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.

Với thực tế hiện nay, nếu chỉ nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ, mà cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ xấu. Tôi mong muốn có một hành lang pháp lý để tất cả bình đẳng, người dân khi vay vốn ngân hàng phải có trách nhiệm trả nợ. Ngoài ra, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc hỗ trợ tích cực trong việc xử lý nợ xấu.

- TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng
Làm rõ nguyên nhân khi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, ngân hàng vẫn lãi lớn
Một số vị đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải có cam kết, lộ trình, giải pháp và gắn với trách nhiệm cụ thể nếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư