Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Xử phạt nặng hành vi tung tin giả về dịch Corona
Hữu Tuấn - 07/02/2020 09:56
 
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP vừa được ban hành, các tổ chức, cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật… sẽ bị xử phạt nặng.
Vũ Thị N.T. (trú tại Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) bị phạt 10 triệu đồng vì tung tin giả trên Facebook.
Vũ Thị N.T. (trú tại Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) bị phạt 10 triệu đồng vì tung tin giả trên Facebook.

Phạt nặng người tung tin giả

Ngày 3/2, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn ghi âm dài 1 phút cùng hình ảnh được chụp lại từ đoạn đối thoại với nội dung đã có 33 người chết vì nhiễm virus Corona tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Theo ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Chợ Rẫy), thông tin trên là sai sự thật.

Hay như thông tin về việc du thuyền World Dream có 3 hành khách bị nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã ghé thăm vịnh Hạ Long vào ngày 19/1/2020 và trở về vào ngày 24/1/2020. Trên thực tế, trong khoảng thời gian trên, du thuyền này không có chương trình đến Hạ Long…

Chiểu theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP “về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” vừa được Chính phủ ban hành ngày 3/2/2020, thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống bị quy định mức phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Trên thực tế, những ngày vừa qua, khi Việt Nam bắt đầu phát hiện bệnh nhân nhiễm virus Corona, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, không đúng sự thật về dịch bệnh này. Những thông tin đó phần nào đã khiến người dân bị hoang mang, lo lắng. Rất nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt nặng vì lan truyền tin giả.

Cụ thể, ngày 4/2, Công an tỉnh Bình Thuận đã xử phạt bà Nguyễn Thị Liên Dung (trú tại phường Phú Tài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) về hành vi sử dụng tài khoản Facebook Dung Nguyễn đăng tải nội dung sai sự thật về tình hình virus Corona ở Bệnh viện Đa khoa An Phước (Bình Thuận). Bà Dung đã đăng tải nội dung sai sự thật về việc 6 người nghi nhiễm virus Corona bị cách ly tại Bệnh viện An Phước. Trong khi đó, Bệnh viện An Phước xác nhận rằng, không hề cấp cứu bệnh nhân nào bị nhiễm virus Corona.

Ngày 3/2, Công an quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) đã xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với Phạm Hoàng Giang về hành vi đăng hình ảnh kèm nội dung liên quan đến kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona lên tài khoản Facebook cá nhân.

Giang khai đã chỉnh sửa kết quả khám sốt xuất huyết trước đó thành kết quả xét nghiệm virus Corona rồi đăng lên các trang mạng xã hội để "câu like".

Cùng ngày, Công an tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định xử phạt 2 người tung tin sai về dịch Corona tại Đắk Nông với số tiền 20 triệu đồng. Hai người bị xử phạt là bà N.T.H. và ông L.Q.H. (trú TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông), mỗi người 10 triệu đồng về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc.

Trước đó, trong ngày 31/1, bà N.T.H. và ông L.Q.H. đã đăng trên Facebook cá nhân với nội dung: "Trên địa bàn Gia Nghĩa có 1 người nhiễm Corona... Bệnh viện Đắk Nông đã cách ly 1 người nghi nhiễm virus Corona".

Công an TP. Hải Phòng cũng đã xử phạt Vũ Thị N.T. (trú tại quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) 10 triệu đồng sau khi sử dụng trang Facebook cá nhân đăng bài viết có nội dung: "Hải Phòng đã có 1 ca nghi ngờ mắc Corona gây viêm phổi Vũ Hán hiện đang được cách ly tại Khoa Lây, Bệnh viện Việt Tiệp...".

Còn Công an TP. Bắc Ninh xử phạt ông Nguyễn Công Hoàng và Vũ Quỳnh Mai mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi. Trước đó, ngày 30/1, Hoàng đăng trên trang Facebook cá nhân nội dung "Tại Bắc Ninh có hơn 4.000 người Trung Quốc sinh sống và làm việc. Một trong số họ ngày 30/1 đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chuyển tuyến khẩn cấp ra Bệnh viện Nhiệt đới trung ương do nhiễm virus Corona khi người này vừa về Trung Quốc ăn Tết và quay trở lại Việt Nam làm việc! Chuyện xấu nhất xảy ra thì Bắc Ninh sẽ là ổ dịch lớn nhất cả nước"...

Đã có rất nhiều người bị cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương như Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Khánh Hoà, Vũng Tàu… xử phạt nặng theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Bác sỹ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, trong khi Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh virus Corona, thì tin tức giả về virus Corona lúc này có thể là “tác nhân” khiến đại dịch thêm trầm trọng. Những hành vi như vậy cần bị phạt nặng.

Tung tin giả có thể bị phạt tù tới 7 năm

Trước khi ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành y tế phòng, chống dịch hiệu quả.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chỉ thị về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành thông tin và truyền thông bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, xác định công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện sâu rộng, có hiệu quả, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra; kịp thời ngăn chặn, xử lý hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa), nếu tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự. Cụ thể, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi vu khống, được quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự, với mức phạt tù cao nhất là 7 năm.

Còn luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH Harvard (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự.

“Đối với trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt, mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226, Bộ luật Hình sự, với tội “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật”. Hành vi xâm phạm đó nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm”, luật sư Đỗ Xuân Đang nói.

Đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết, mạng lưới các đơn vị kiểm tra thực tế bên thứ ba của mạng xã hội này đang tiếp tục xem xét nội dung và gỡ các tuyên bố sai lệch lan truyền liên quan đến virus Corona. Để chống lại các tin tức giả mạo, Facebook sẽ giới hạn mức độ lan truyền của thông tin được đánh giá là sai lệch trên 2 nền tảng Facebook và Instagram, đồng thời tăng cường hiển thị các thông tin chính xác.

Trong khi đó, Google tuyên bố, khi mọi người tìm kiếm các từ khóa liên quan đến virus Corona, hệ thống tìm kiếm của Google sẽ đưa ra một thông báo đặc biệt với các bản tin cập nhật mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Kênh video YouTube của Google cho biết, họ sẽ chủ động tiếp thị video từ các nguồn đáng tin cậy khi mọi người tìm kiếm các đoạn video về loại virus mới này.

Phú Yên: Truy tìm nhiều Facebooker tung tin thất thiệt về dịch bệnh corona
Nhiều tài khoản Facebook tung tin đồn thất thiệt ở Phú Yên có người nhiễm virus corona, gây hoang mang trong dư luận. Các cơ quan chức năng của tỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư