Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Giá vàng tuần 18/9 - 24/9:
Xuất hiện nhịp điều chỉnh, vàng miếng SJC tuần qua vẫn vững mốc trên 69 triệu đồng/lượng
Phạm Anh - 24/09/2023 11:14
 
Trong một tuần liên tục đón nhận thông tin từ các ngân hàng trung ương trên thế giới, thị trường vàng tiếp tục giữ được đà tăng trong bối cảnh USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm nhẹ.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 68,45 - 69,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với tuần trước. Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở mức 68,25 - 69,15 triệu đồng/lượng, tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và bán so với tuần trước.

Tại TP.HCM, giá vàng DOJI đang được niêm yết ở 68,4 - 69,15 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng ở cả 2 chiều mua và bán so với tuần trước.

Giá vàng miếng SJC có thời điểm vượt 69,3 triệu đồng trong tuần qua - Nguồn: Giavang

Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 12 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,29% lên 1.925,18 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,27% lên 1.944,9 USD/ounce.

Tuần qua, thị trường tài chính đã có những phản ứng trước thông tin từ 4 cuộc họp của các Ngân hàng trung ương, bao gồm ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Mặc dù cũng có những phản ứng trái chiều, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại giá vàng vẫn giữ được sự ổn định trong khoảng từ 1.920 - 1.930 USD và tiếp tục có tuần lễ đóng cửa trong sắc xanh.

Có thể thấy, các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phát đi tín hiệu sẽ giữ lãi suất ở mức cao cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giới chuyên gia nhận định chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài trong 2 năm vừa qua đã có dấu hiệu chạm đỉnh.

Theo đó, Fed sẽ duy trì phạm vi lãi suất chuẩn ở mức 5,25% -5,5%, nhưng đưa ra dự báo lãi suất sẽ kết thúc năm ở mức 5,5% -5,75%, ngụ ý rằng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất trong năm nay.

12 thành viên của Ủy ban thị trường mở (FOMC) cho rằng, cần phải tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay trong khi 7 thành viên muốn giữ lãi suất ở mức hiện tại cho đến cuối năm.

BoE giữ lãi suất ở mức 5,25% cùng với dấu hiệu chỉ báo mức chi phí đi vay có thể đã lên đến đỉnh điểm sau gần hai năm tăng lãi suất. Đối với BoE, đây là lần tạm dừng đầu tiên sau 14 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt vào tháng 12/2021.

Cũng trong tuần này, Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ (SNB) giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 1,75%, lưu ý rằng lạm phát đã giảm ở Thụy Sĩ, nhưng nhấn mạnh rằng không thể loại trừ việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để đảm bảo sự ổn định giá cả trong trung hạn Quyết định này được giới phân tích mô tả là một sự mềm mỏng hơn, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên SNB không tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022.

Trong khi đó, ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết, sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và giới hạn lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0. Trong cuộc họp, cơ quan này cũng thông báo nới lỏng việc kiểm soát đường cong lợi suất để cho phép lợi suất trái phiếu dài hạn biến động nhiều hơn cùng với lạm phát gia tăng. Đây là thay đổi chính sách đầu tiên của Thống đốc Kazuo Ueda kể từ khi nhậm chức vào tháng 4.

Mặc dù lạm phát đã dần dần hạ nhiệt, nhưng lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế lớn vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà các ngân hàng trung ương cho là lành mạnh. Vào tháng 8, lạm phát ở mức 3,7% ở Mỹ và 5,2% ở khu vực đồng euro.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những phát biểu cứng rắn, các nhà đầu tư vẫn hoài nghi rằng các ngân hàng trung ương sẽ đi đúng hướng do có những nghi ngờ về sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và những lo ngại về địa chính trị từ xung đột Nga-Ukraine đến sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Với việc Mỹ và châu Âu đều đã tránh được cuộc suy thoái từng được dự đoán, viễn cảnh về một cuộc hạ cánh mềm đối với nền kinh tế toàn cầu đang dần xuất hiện trở lại, phần lớn nhờ vào dữ liệu tích cực từ thị trường lao động.

Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường của OANDA nhận định, dữ liệu kinh tế được đưa ra trong thời gian tới sẽ là căn cứ quan trọng cho những quyết định tiếp theo của các ngân hàng trung ương trong cuộc họp tiếp theo.

Tuần tới sẽ chứng kiến một loạt dữ liệu kinh tế được công bố, mặc dù không có tác động nào mạnh mẽ bằng quyết định lãi suất của Fed trong tuần này. Những điểm nổi bật sẽ bao gồm dữ liệu GDP và PCE của Mỹ trong quý II và tháng Tám, các cuộc khảo sát của Fed tại Dallas, Chicago, Michigan và Richmond cũng như doanh số bán hàng lâu bền và doanh số bán nhà đang chờ xử lý trong tháng 8.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,23% lên 105,59 điểm; tăng 0,26 điểm so với tuần trước.

Áp lực USD mạnh lên đang ảnh hưởng nhiều đến diễn biến tỷ giá trong nước. Tỷ giá trung tâm đến cuối này đang ở mức 24.060 VND/USD, tăng 24 đồng so với tuần trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.857 - 25.261 VND/USD.

Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.190 VND/USD (mua vào) và 24.530 VND/USD (bán ra), tăng 105 đồng ở cả hai chiều. Tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể giữa tuần một phần nhờ những động thái hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Tuy nhiên, tỷ giá lại bật mạnh tới 70 đồng chỉ trong ngày thứ Sáu (22/9).

Liên tục trong hai ngày 21/9 và 22/9, trên thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước đã bán ra tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, qua đó thu về lượng tiền lần lượt 10.000 tỷ đồng mỗi ngày. Trong phiên 21/9, có tới 17 ngân hàng thương mại tham gia mua tín phiếu nhưng chỉ 2 nhà băng trúng thầu. Tới phiên tiếp theo, 5/16 nhà băng tham gia thầu đã mua được lượng tín phiếu do NHNN phát hành. Theo quy địn, hình thức đấu thầu dựa trên cạnh tranh lãi suất, kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất và các hình thức khác có thể bổ sung mới khi cần thiết.

Trước thềm họp Fed, vàng thế giới vững mốc 1.930 điểm, vàng miếng SJC giảm nhẹ
Thị trường vàng quốc tế không có nhiều biến động, giữ ở quanh vùng giá cao nhất trong vòng 2 tuần nay. Trong khi đó giá vàng trong nước đã có dấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư