Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Xuất hiện những vấn đề mới cản đà phục hồi kinh tế Trung Quốc
Lê Quân - 17/05/2021 19:02
 
Tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 đã yếu đi trong khi doanh số bán lẻ còn kém xa so với kỳ vọng.
Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng hơn 8% trong năm 2021. Ảnh tư liệu: AFP
Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng hơn 8% trong năm 2021. Ảnh tư liệu: AFP

Theo hãng tin Reuters, giới chức Trung Quốc đã cảnh báo về những vấn đề mới ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo đó, sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã gây áp lực lên hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, cản trở đà phục hồi kinh tế kể từ năm ngoái.

Sản lượng của các nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 4 tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, khớp với dự báo, nhưng kém xa mức tăng trưởng 14,1% trong tháng 3, theo số liệu được Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm nay 17/5.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 4 chỉ tăng 17,7%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 24,9% và mức tăng 34,2% đạt được trong tháng 3.

Phát ngôn viên Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, ông Fu Linghui cho rằng trong khi nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận sự cải thiện ổn định trong tháng 4, các vấn đề mới cũng đã xuất hiện, đáng chú ý là vấn đề giá cả hàng hóa quốc tế tăng cao.

"Nền tảng cho sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa được đảm bảo", ông Fu Linghui nhấn mạnh tại cuộc họp báo hôm 17/5 tại Bắc Kinh.

"Đối với doanh nghiệp nói chung, việc tăng giá có lợi cho việc cải thiện hiệu quả hoạt động, nhưng áp lực lên các ngành công nghiệp hạ nguồn cần được chú ý", đại diện Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc nói thêm.

Chỉ số giá sản xuất ở nhà máy trong tháng 4 đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ tháng 10/2017. Chỉ số này có thể tiếp tục tăng trong quý II và quý III/2021, theo báo cáo được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố tuần trước.

Tăng trưởng sản xuất phương tiện có động cơ giảm mạnh từ 69,8% xuống còn 6,8% trong tháng 4, một phần do thiếu hụt nghiêm trọng chất bán dẫn dùng cho sản xuất ô tô.

Còn tăng trưởng sản xuất xi măng và than tại Trung Quốc cũng chững lại trong tháng 4, trong khi sản lượng nhôm và thép thô đạt mức kỷ lục, nhờ nhu cầu ổn định.

Ông Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty quản lý đầu tư Pinpoint Asset Management nhận định: "Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi không cân bằng, trong khi xuất khẩu và đầu tư trong nước tăng mạnh, thì các lĩnh vực khác như tiêu dùng vẫn còn yếu".

Chuyên gia này đánh giá, các lĩnh vực dịch vụ ở Trung Quốc như du lịch, nghỉ dưỡng, và giải trí vẫn đang bị kìm chân bởi những bất ổn do Covid-19.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, doanh số đồ gia dụng tháng 4 đã giảm sốc so với tháng trước, giảm từ mức tăng 38,9% vào tháng 3 xuống còn 6,1%.

Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics, đánh giá tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng tháng của Trung Quốc đã giảm nhiều so với trước đại dịch.

"Trước mắt, chúng tôi cho rằng phục hồi tiêu dùng sẽ tăng tốc trở lại trong những tháng tới khi thị trường lao động tiếp tục bị thắt chặt", ông Julian Evans-Pritchard nói.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh trong tháng 4 nhờ nhu cầu hàng Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh hoạt động sản xuất ở các nước khác vẫn bị đình trệ do dịch bệnh.

Tuy nhiên, tháng 4 cũng ghi nhận hoạt động của các nhà máy chững lại trong bối cảnh nguồn cung đầu vào bị tắc nghẽn và chi phí tăng cao. Theo hãng tin Reuters, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã xác định được một số điểm yếu trong quá trình phục hồi nền kinh tế này.

Giám đốc một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô ở tỉnh Chiết Giang cho biết: "Chi phí sản xuất chắc chắn đã tăng, khiến lợi nhuận giảm". Vị giám đốc cho biết thêm, doanh số bán hàng đang tăng nhưng tương đối chậm và nhà máy này có kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Nền kinh tế Trung Quốc đạt tăng trưởng kỷ lục 18,3% trong quý I/2021 và nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng hơn 8% trong năm 2021.

Trung Quốc sẽ khuyến khích hoạt động sản xuất chế tạo và đầu tư tư nhân để phục hồi nhanh nhất có thể. Cuộc họp tháng trước của Bộ Chính trị Trung Quốc nhận định, sự phục hồi kinh tế của nước này vẫn chưa đồng đều và nền tảng phục hồi chưa vững chắc.

Các chỉ số kinh tế được công bố hôm 17/5 cũng cho thấy đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với mức tăng 25,6% của quý I.

Ngoài ra, tăng trưởng đầu tư bất động sản, doanh số bất động sản theo diện tích sàn và số lượng công trình xây mới trong 4 tháng đầu năm 2021 đều giảm so với quý I, trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc tăng cường giám sát các hoạt động huy động vốn của các chủ đầu tư.

"Chính phủ Trung Quốc có thể tạm dừng việc thắt chặt chính sách tiền tệ ngay bây giờ để quan sát tốc độ phục hồi", ông Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty quản lý đầu tư Pinpoint Asset Management nhận định.

Mỹ chuẩn bị đợt đánh thuế mới, Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa mạnh mẽ
Sáng sớm nay (19/6) theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ phát động đợt đánh thuế mới trị giá 200 tỷ USD đối với hàng nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư