Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 03 tháng 08 năm 2024,
Xuất khẩu bận rộn nửa cuối năm 2024
Thế Hải - 02/08/2024 09:16
 
Tiêu dùng hàng hóa cuối năm phục hồi tại nhiều thị trường lớn, tạo thêm dư địa cho các ngành hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn như điện tử; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; nông, lâm, thủy sản...
Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm, trong đó ngành thủy sản đóng góp đáng kể 	Ảnh: Đức Thanh
Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm, trong đó ngành thủy sản đóng góp đáng kể Ảnh: Đức Thanh

Cầu hàng hóa gia tăng

Gần 36 tỷ USD hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu thành công trong tháng 7/2024. Mức thực hiện này rất ấn tượng, ghi nhận đà phục hồi của nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn, tiếp sức cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong nước.

Sự phục hồi mạnh mẽ về đơn hàng xuất khẩu ở những nhóm hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, nhóm sản phẩm ngành nông nghiệp (cà phê, rau quả, gạo, thủy sản…) là lý do khiến tháng 7 có kim ngạch xuất khẩu đạt gần 36 tỷ USD.

Với kết quả cao kỷ lục của tháng 7, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng của năm 2024 chạm mốc 227 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ hội xuất khẩu hàng Việt Nam từ nay đến cuối năm được đánh giá là sẽ tiếp tục thuận lợi.

Tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ ở nước ngoài với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo” tổ chức mới đây, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay: “Dự báo tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi mùa thu đông đang đến, cũng như các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm bầu cử vào tháng 11/2024”.

Theo thống kê, trong 7 tháng, riêng 6 thị trường/khu vực thị trường (ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU) đã chi thêm hơn 20 tỷ USD nhập khẩu hàng từ các nhà cung ứng Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia thông tin, tại Australia, sản phẩm chế biến chế tạo của Việt Nam (điện thoại, máy vi tính, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh…) rất phổ biến, có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm Made in Vietnam thuộc nhóm ngành này trong các hệ thống siêu thị điện máy lớn như JB-HiFi, Harvey Norman, IKEA…

“Dù các quy định, rào cản kỹ thuật của Australia rất khắt khe, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ và EU, nhưng các doanh nghiệp đã bước đầu tận dụng được hệ thống FTA với Australia để xuất khẩu”, ông Hòa nói.

Xuất khẩu cả năm có thể đạt 380 tỷ USD

Tín hiệu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn khởi sắc rõ nét hơn. Căn cứ kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm, thì khả năng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 có thể xác lập kỷ lục mới, với 380 tỷ USD, vượt con số 371,3 tỷ USD đạt được trong năm 2022.

Nhận diện cơ hội và trở ngại những tháng còn lại của năm 2024, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, thách thức về thực hiện các đơn hàng nhanh, nhỏ, khó của khách hàng vẫn là chủ đạo, buộc các doanh nghiệp phải thích ứng để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Theo ước tính, 7 tháng đầu năm, ngành dệt may mang về gần 24 tỷ USD, nếu thực hiện mỗi tháng khoảng 4 tỷ USD trong 5 tháng cuối năm, hoàn toàn có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD, khả quan hơn, có thể vượt 500 - 700 triệu USD.

Nhóm nông, lâm, thủy sản 7 tháng đầu năm đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so cùng kỳ.

Nhưng có lẽ, trông đợi nhiều nhất vẫn là xuất khẩu máy tính; điện thoại, linh kiện điện thoại. Trong tháng 7, hai nhóm hàng này mang về 11,5 tỷ USD, cao hơn 1,7 tỷ USD so với xuất khẩu tháng 6, riêng điện thoại tăng hơn 1 tỷ USD.

Trường hợp vẫn duy trì tốc độ phục hồi như tháng 7, trong 5 tháng còn lại, hai nhóm hàng này có thể đóng góp 56-57,5 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 129-130 tỷ USD cả năm 2024.

Xuất khẩu khả quan, cộng với các yếu tố về điều hành kinh tế vĩ mô, điều chỉnh lãi suất, thu hút khách du lịch, nên Ngân hàng HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,5%, thay vì 6% trước đó.

Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC cho hay: “Sự phục hồi xuất khẩu chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng điện tử, các ngành hàng khác cũng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Cùng với đó, tình hình việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới tăng cao so với những tháng gần đây, cho thấy triển vọng tốt hơn của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam”.

Xuất khẩu càng về cuối năm càng khởi sắc, song ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công thương lưu ý, căng thẳng địa chính trị, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn chưa đồng đều, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao, tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.

Chưa kể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh...

Do đó, ông Long chỉ đạo, phải có giải pháp gỡ khó kịp thời, khẩn trương từ các đơn vị, cơ quan Thương vụ để ngành hàng tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2024, tiến tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm nay.

Khai thác hết tiềm năng liên kết vùng Đông Nam Bộ để tạo động lực xuất khẩu
Mối quan hệ vùng và liên kết vùng trong xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu còn chưa được quan tâm thỏa đáng là một trong những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư