Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu cá tra đón nhiều yếu tố hỗ trợ
Phú Khởi - 28/07/2015 14:56
 
Trong những tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm gần 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VNPA), doanh nghiệp xuất khẩu không nên quá lo lắng vì có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho ngành hàng này trong thời gian tới.

Thưa ông, tình hình sản xuất - xuất khẩu cá tra trong những tháng đầu năm nay có điểm gì đáng chú ý?

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, diện tích và sản lượng cá tra tăng so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng trong thời gian gần đây đã chậm lại. Chẳng hạn, tính đến hết tháng 5/2015, sản lượng cá tra thu hoạch tăng hơn 10% so cùng kỳ năm 2014. Sang tháng 6 chỉ còn tăng 1,2% so với cùng kỳ 2014.  

Về xuất khẩu, các tháng đầu năm 2015 thấp hơn so cùng kỳ năm 2014, nhưng đà giảm này đang thấp dần. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra đến hết quí I, giảm 12,7% so cùng kỳ 2014, nhưng tính đến hết thàng 5 thì mức giảm chỉ còn 7,2% so cùng kỳ 2014. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 134 triệu USD, tăng 1,5% so tháng 3 và đến 6,5% so tháng 4, đảo ngược xu thế suy giảm liên tiếp của các tháng trước đó. Về thị trường, thị trường Mỹ giữ ổn định, thị trường các nước ASEAN, Trung Quốc, mức tăng trưởng trong cao, trong khi thị trường EU suy giảm.

.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VNPA)

 

Về giá cả, các tháng đầu năm giá cá nguyên liệu tiếp tục tăng trong tháng 1 và tháng 2, sau đó bước vào giai doạn suy giảm. Đỉnh điểm của sự sụt giảm này rơi vào khoảng tháng 4 tháng 5 (có thời điểm giảm tới 4.275 đồng/kg so cùng kỳ). Sang tháng 6, xu hướng này đã chậm dần và bắt đầu có sự phục hồi.

Việc triển khai đăng ký Hợp đồng xuất khẩu (HĐXK) theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang được thực hiện như thế nào?

Thực hiện theo quy định tại Nghị định 36 của Chính phủ và Thông tư 23 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VNPA) đảm nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra.

Theo đó, việc đăng ký hợp đồng này bắt đâu từ ngày 12/9/2014. Trong thời gian từ 12/9/2014 đến 22/5/2015, khi thông tư tính phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra của Bộ Tài chính chưa ban hành, VNPA vẫn nỗ lực tư vấn các thủ tục cần thiết và xác nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra cho doanh nghiệp.

Thời gian đầu, không ít người lo ngại Hiệp hội mới ra đời, nhân sự còn chưa quen việc sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ này; tuy nhiên, tính đến hết ngày 27/6/2015, việc xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra đã được thực hiện tốt. Hiện nay có 188 doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu, tổng khối lượng các lô hàng đăng ký là 475.295 tấn (tính từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 27/6/2015).

Từ ngày 01/6/2015, khi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra với VNPA, cần bổ sung thêm thông tin về vùng nuôi (theo quy định tại Khoản 4, Điều 9, Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT). Khối lượng công việc thẩm định hồ sơ cho doanh nghiệp tăng lên nên Hiệp hội đã bố trí thêm nhân sự thực hiện công tác, vừa đảm bảo xác nhận nhanh chóng cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo tính chính xác, đầy đủ nguồn thông tin, dữ liệu chuyên ngành khi báo cáo cho các Bộ, ngành hữu quan.

Có ý kiến  cho rằng, việc đăng ký HĐXK là không cần thiết (vì Hải quan đã nắm sản lượng) và việc này giống như “giấy phép con”, gây phiền phức thêm cho doanh nghiệp, ông nghĩ sao về việc này?

Cần nhắc lại, Nghị định 36 và Thông tư 23 là những bước đi cần thiết cho sự phát triển trong dài hạn của cả chuỗi ngành hàng đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ cải thiện chất lượng phát triển chất lượng của ngành cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nếu Nghị định 36 được thực hiện nghiêm chỉnh ngành cá sẽ được cải thiện, xây dựng khu vực nuôi “sạch”, phù hợp quy hoạch, đảm bảo khu vực chế biến có trách nhiệm với người tiêu dùng, một môi trường chung cho sự phát triển bền vững nghề cá.

Đăng ký HĐXK là một bộ phận trong quy trình thiết kế của Nghị định 36, từ nuôi, chế biến cho đến xuất khẩu sản phẩm cá tra, đảm bảo quá trình vận hành của Nghị định được tuân thủ. Bỏ đi việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu là phải thiết kế lại toàn bộ nội dung Nghị định 36,vốn đã được thảo luận đi, thảo luận lại nhiều lần và mất hơn 4 năm mới ra đời.

Hệ thống đăng ký hợp đồng xuất khẩu cũng giúp xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, các số liệu cập nhật kịp thời từ khu vực nuôi đến chế biến xuất khẩu giúp cho việc chỉ đạo của cấp lãnh đạo, đồng thời cũng giúp DN, người nuôi quyết định chiến lược kinh doanh của mình, tránh tình trạng thao túng thông tin, tình trạng khai báo thiếu trung thực. Qua thông tin thu thập được, chúng ta có thể xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu về sản lượng nuôi và diện tích vùng nuôi cũng như nắm rõ tình hình xuất khẩu không chỉ là với số liệu đã xuất khẩu (từ cơ quan Hải quan) mà còn có số liệu sẽ xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký, từ đó đưa ra được dự báo và các cân đối cho thời gian tới.

Từ trước đến nay chúng ta chưa có hệ thống dữ liệu như vậy. Dù rất muốn, nhưng không thể làm được do  thiếu cơ sở pháp lý. Cũng cần nói thêm, với hệ thống dữ liệu này thì số liệu xuất khẩu của Hải quan chỉ là một phần trong đó. Số liệu hải quan chỉ ghi nhận số liệu đã xuất khẩu, chứ không thể có được số liệu sẽ xuất khẩu dựa trên các hợp đồng. Điều đáng nói là chính VASEP cũng từng kiến nghị phải đăng ký HĐXK, thậm chí xa hơn, VASEP cũng đã đề nghị cấp quota cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhằm hạn chế tình trạng cung vượt cầu.

Tóm lại, đăng ký HĐXK sản phẩm cá tra là một khâu hết sức quan trọng của Nghị định 36 nhằm vào hai mục đích: (1) đảm bảo quy trình vận hành của toàn chuỗi trong thực hiện Nghị định (nếu thiếu nó, những khâu đầu của Nghị định 36 xem như bị hủy bỏ); (2) Xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, quy hoạch  xuất khẩu, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, minh bạch hệ thống thông tin, khôi phục niềm nin của thị trường, của ngân hàng đối với ngành cá.

Xin ông cho biết thêm nhận định của VNPA về thị tường của ngành hàng này trong những tháng cuối năm?

Qua số liệu đăng ký HĐXK cho thấy, sản lượng cá tra trong tháng đầu năm tuy có cao hơn cùng kỳ với những diễn biến gần đây cho thấy sản lượng năm nay sẽ khó có thể tăng nhiều so với năm trước.

Về mặt thị trường, thị trường Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gặp khó khăn do vấp phải rà soát thuế chống bán phá giá (DOC) nhưng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm nay có thể giữ vững được. Vấn đề lớn đối với thị trường này vẫn là đạo luật Nông nghiệp đang còn treo lơ lững. Để giảm bớt nguy cơ rơi vào những vụ kiện chống bán phá giá, cũng như chuẩn bị lâu dài hơn thì không có cách gì khác hơn thực hiện nghiêm túc Nghị định 36.  

Thị tường EU cũng được xem là còn nhiều ẩn số do sự biến động tỷ giá của đồng EURO so với USD. Ngoài ra, các quốc gia nhập khẩu chủ chốt cũng đang siết chặt những rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nên khó có thể kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này.

Thị trường Nga và một số thị trường khác cũng chưa thể hiện rõ sự ổn định trong tăng trưởng.

Các thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông, ASEAN, Trung Đông… khá tiềm năng, thể hiện ở sự tăng trưởng xuất khẩu sẽ đòi hỏi những thích ứng mới và chiến lược mới cho ngành.

Việc Chính phủ và các Bộ ngành chức năng nước ta triển khai những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra (được cụ thể hóa bằng Nghị định 36) đã tạo được sự tin tưởng ban đầu từ các thị trường nhập khẩu. Đây là một yếu tố thuận lợi giúp cho ngành cá tra Việt Nam cải thiện hình ảnh, mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

IDI đạt lợi nhuận cao từ ngành nuôi, chế biến cá tra
Trong lúc nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long chật vật để duy trì sản xuất vì khó khăn đầu ra thì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư