Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu chủ động với kịch bản giảm tốc
Thế Hải - 26/08/2022 08:15
 
Xung đột Nga - Ukraine đẩy giá nguyên, nhiên liệu, logistics tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát cao tại nhiều nền kinh tế… là nguyên nhân khiến tăng trưởng xuất khẩu cuối năm có thể chậm lại.
Những lợi thế của các FTA đã được ngành da giày tận dụng rất tốt để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: Lê Toàn

Xuất khẩu tăng rất mạnh trong 7 tháng

Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Tại Tọa đàm Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới đây, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhận định, xuất nhập khẩu đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Theo ông Phương, những năm qua, xuất khẩu đã có những bước tiến thần tốc, đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu, xếp hạng 24 trong trong tổng số 240 nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 336 tỷ USD.

“Việt Nam là một trong những nước tích cực trong ASEAN về tham gia các FTA, chỉ sau Singapore, với 15 FTA đang có hiệu lực, trong đó nhiều FTA thế hệ mới với nhiều nền kinh tế lớn của thế giới, đang hỗ trợ đáng kể cho mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu”, ông Phương nhận định.

Những năm qua, ngành da giày - túi xách đóng góp trên 20 tỷ USD mỗi năm vào kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế. Trong 7 tháng đầu năm 2022, ngành tiếp tục duy trì vị thế khá tốt, khi xuất khẩu giày dép đạt 14 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu túi xách đạt 2,4 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ.

Thống kê cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là các thị trường có FTA, đã duy trì tốc độ rất tốt. Cụ thể, xuất khẩu sang Bắc Mỹ tăng 24%, EU tăng 17,5%... “Đến thời điểm này, có thể nói, những lợi thế của các FTA đã được ngành da giày tận dụng rất tốt và đây chính là động lực để ngành vượt qua thách thức từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) thông tin.

Xuất khẩu dệt may cũng tăng trưởng khả quan, đạt gần 27 tỷ USD sau 7 tháng, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc).

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm nay tăng 79% so với cùng kỳ, đạt 1,6 tỷ USD, gần bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm ngoái (1,62 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 122 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ; sang Mexico đạt 73,5 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ. Kết quả này có được là nhờ lượng xuất khẩu tăng mạnh và giá bán sang các thị trường cũng tăng cao.

Chủ động với kịch bản giảm tốc

Là điểm sáng trong hơn nửa đầu năm, nhưng xuất khẩu cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong những tháng còn lại của năm 2022 do cầu giảm tại nhiều thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản; tác động của lạm phát, chi phí vận chuyển tăng cao buộc các ngành hàng phải tính toán kỹ hơn để đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu.

Nếu không có gì thay đổi, ngành da giày - túi xách sẽ cán mốc 25 tỷ USD vào cuối năm nay. Nhưng theo thông tin từ Lefaso, các đơn hàng từ nay đến quý I/2023 của các doanh nghiệp da giày có dấu hiệu bị suy giảm. “Tồn kho tại một số doanh nghiệp đang gia tăng, đơn hàng cuối năm có phần chững lại và ít nhiều gây khó khăn trên chặng đường về đích của ngành”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.

Với ngành dệt may, mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỷ USD của năm 2022 vẫn đang khá hiện thực, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy, đường đi sẽ gập ghềnh hơn vào cuối năm. Theo ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Vinatex, những rủi ro do lạm phát và căng thẳng chính trị trên thế giới sẽ tác động đến cầu tiêu dùng hàng dệt may, buộc các doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Công ty TNHH Việt Thắng Jeans lo lắng việc euro giảm giá so với USD làm người tiêu dùng châu Âu càng thắt chặt chi tiêu hơn. Nếu tình trạng này còn kéo dài, thì nhu cầu nhập hàng yếu đi, sẽ gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu quốc tế, trong đó có Việt Nam. Đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu sang EU của doanh nghiệp giảm gần 20%.

Với dự kiến xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm nay, xuất khẩu đồ gỗ, sản phẩm gỗ cũng cảm nhận rõ dấu hiệu giảm tốc. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021, là tháng thứ 2 giảm tốc. Lũy kế 7 tháng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 1,3%, nhưng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trước những rủi ro hiện hữu tác động đến xuất khẩu, các ngành hàng vẫn đang dồn lực sản xuất, chủ động cập nhật thông tin thị trường để có kế hoạch ứng biến linh hoạt, tính toán hợp lý để cắt giảm chi phí đầu vào, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đã đề ra, từ đó góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8% cả năm 2022 của nền kinh tế.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 282,66 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2019, xuất siêu hơn 19 tỷ USD.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, xuất siêu gần 4 tỷ USD.

Năm 2022, mục tiêu xuất khẩu là 363 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2021, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu.

Nguồn: Bộ Công thương
Xuất khẩu cả năm 2022 tiến sát mốc 370 tỷ USD
Dựa trên kết quả xuất khẩu 6 tháng, Bộ Công thương nhận định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư