Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu dệt may kỳ vọng đạt 45,7 tỷ USD trong năm 2022
Minh Nhung - 04/08/2022 08:02
 
Trên cơ sở kết quả khả quan đạt được từ đầu năm, cùng diễn biến tích cực của thị trường, ở kịch bản tăng trưởng cao, xuất khẩu dệt may kỳ vọng đạt mốc 45,7 tỷ USD trong năm 2022.

Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may đạt kết quả khá tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may từ đầu năm đến ngày 15/7/2022 đạt 20,4 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, đưa dệt may đứng thứ tư trong các nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước (sau điện thoại và linh kiện; máy tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng).

Tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu dệt may so với cùng kỳ năm 2021 đạt 19,7%, cũng đứng thứ tư trong 6 nhóm mặt hàng có mức tăng trên 1 tỷ USD, từ đó đã góp phần quan trọng đưa quy mô tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt lớn nhất từ trước đến nay, tốc độ tăng khá cao (17,3%).

Kết quả khả quan này của ngành dệt may được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Về sản xuất, toàn ngành hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp, với tổng vốn trên 1,1 triệu tỷ đồng; tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn đạt trên 400.000 tỷ đồng; doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh đạt gần 1 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong ngành đang sử dụng gần 200.000 lao động.

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 4,5%; chỉ số sản xuất ngành may tăng 23,3%; sản lượng vải tăng 11,4%; quần áo tăng 12,1%; số lao động ngành dệt tăng 6,3%; lao động ngành may tăng 3,2%.

Kim ngạch nhập khẩu các loại nguyên vật liệu dệt may tăng khá so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, bông tăng 15,6%; xơ sợi dệt tăng 6,6%; vải các loại tăng 7,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 4,6%.

Về thị trường xuất khẩu, trong nửa đầu năm nay, hàng dệt may Việt Nam có mặt ở 55 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 17 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Đức, Campuchia... Hầu hết các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm trước và là các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Dự báo, nếu trong những tháng còn lại của năm, xuất khẩu dệt may tiếp tục đạt được mức tăng so với cùng kỳ như những tháng đầu năm (19,7%), thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 sẽ đạt trên 39 tỷ USD, tăng trên 6,5 tỷ USD so với năm 2021, nếu kể cả các sản phẩm có liên quan (xơ, sợi dệt, vải mành, vải kỹ thuật khác), thì tổng kim ngạch sẽ vượt 45,7 tỷ USD.

Với phương án trung bình, mức xuất khẩu bình quân 1 tháng trong thời gian còn lại của năm đạt bằng mức bình quân từ đầu năm đến giữa tháng 7 (3,66 tỷ USD/tháng), thì cả năm sẽ đạt 43 tỷ USD, tăng 18%.

Để duy trì mức tăng khá so với năm 2021 và đạt được những mục tiêu đã đặt ra, ngành dệt may phải có giải pháp giải quyết những vấn đề cơ bản của ngành.

Ở đầu vào, nguồn nguyên vật liệu để sản xuất hiện còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, ngành dệt may lập tức bị đứt gãy nguồn cung từ nước ngoài, cộng với những khó khăn về lao động ở trong nước, các doanh nghiệp đã phải đối mặt với thách thức lớn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 bị giảm tương đối sâu (giảm 9,2%, tương đương giảm trên 3 tỷ USD). Năm 2021, nhờ tăng nhập khẩu, giảm đứt gãy nguồn cung, nên xuất khẩu đã có dấu dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn thấp hơn so với năm 2019 - trước đại dịch.

Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng khá, nhưng có một phần do giá xuất khẩu tăng. Đáng chú ý là, từ đầu năm đến giữa tháng 7, lượng nhập khẩu nguyên liệu giảm (bông giảm 22,8%, xơ sợi dệt giảm 5,6%), trong khi giá nhập khẩu tăng (giá bông tăng 49,7%, giá xơ sợi dệt tăng 7,3%, giá vải 6 tháng tăng 13,7%). Nhập khẩu nguyên liệu ở một số thị trường bị giảm chứng tỏ vẫn còn tình trạng đứt gãy nguồn cung, cộng với giá cả tăng cao, cho thấy, dệt may đang phải đối mặt với thách thức “kép”.

Về vấn đề xuất xứ hàng hóa theo cam kết từ các FTA, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần hết sức thận trọng, tránh để xảy ra vi phạm, gây hậu quả khôn lường…. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may cần giải quyết tốt hơn nữa vấn đề về lao động, hạn chế tình trạng biến động đột ngột, để người lao động yên tâm làm việc.

Ở đầu ra, cần lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, có một số thị trường bị giảm so với cùng kỳ, như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc… Hàng dệt may Việt Nam tuy có mặt ở nhiều thị trường, nhưng nhiều thị trường có mức kim ngạch rất nhỏ. Theo đó, doanh nghiệp cần chú ý mở rộng thị trường, tránh “bỏ trứng và một giỏ” dễ gặp rủi ro khi những thị trường truyền thống có biến động.

Chi phí của doanh nghiệp dệt may đã tăng 20 - 25%
Giá bông tăng 19,1%, giá xăng dầu tăng 67%, chi phí vận tải cao gấp 3 lần...là những yếu tố khiến chi phí của doanh nghiệp dệt may tăng từ 20-25% trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư