Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu của khu vực miền Trung đạt 22 tỷ USD
Thế Hải - 29/06/2024 12:57
 
Dù có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, nhưng trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chỉ đạt trên 22 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2022.
Thaco đóng góp lớn cho xuất nhập khẩu tại Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung .
Thaco đóng góp lớn cho xuất nhập khẩu tại Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung .

Thông tin tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung do Bộ Công thương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, thời gian qua, khu vực này đạt tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, tốc độ tăng trưởng năm 2023 của Vùng đạt đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%). 

Nhờ thế mạnh là "mặt tiền" của quốc gia, "cửa ngõ" ra biển, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Quy mô kinh tế đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,06% GDP cả nước) và có xu hướng tăng qua các năm; GRDP bình quân đầu người tăng 8,7% so với năm 2022 (đạt 75,62 triệu đồng/người). 

Một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên (9,16%), Bình Thuận (8,1%). 

Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành của vùng đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng qua các năm. 

Tuy nhiên, dù có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, nhưng trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của vùng này chỉ đạt trên 22 tỷ USD, tương đương năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so năm 2022.

Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung là hoạt động trong chuỗi sự kiện của chương trình “Kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” diễn ra từ ngày 27 – 30/6 tại TP. Đà Nẵng.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng năm qua đạt hơn 46,7 tỷ USD, giảm hơn 2,4 tỷ USD so năm 2022. Bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn là nguyên nhân chính kéo giảm hoạt động xuất nhập khẩu.

Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa… 

Hiện nước ta đang phân chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng, với 11 địa phương, năm 2023 đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 126,94 tỷ USD; nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD.

Vùng Đông Nam Bộ cũng ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 200 tỷ USD/năm 2023.

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt gần 116 tỷ USD, chiếm 16% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt gần 70 tỷ USD, tương đương 18% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu của vùng Tây Nguyên còn khiêm tốn, xuất nhập khẩu toàn vùng mới đạt khoảng 4,6 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, trong đó xuất khu trên  3,7 tỷ USD năm 2023.

13 địa phương vùng ĐBSCL chủ yếu xuất khẩu nhiều nông thuỷ sản, là vựa lúa, vựa thuỷ sản lớn của cả nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư