Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu của Trung Quốc hụt hơi, thặng dư thương mại với Mỹ vẫn tăng
Lê Quân - 07/06/2020 16:41
 
Sau khi tăng bất ngờ trong tháng 4, xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc đảo chiều sụt giảm do nhu cầu hàng hóa toàn cầu vẫn thấp.
Các chuyên gia đánh giá, nhập khẩu của Trung Quốc sẽ vẫn gặp khó, phụ thuộc nhiều vào sức phục hồi của thị trường trong nước. Ảnh: AFP
Các chuyên gia đánh giá, nhập khẩu của Trung Quốc sẽ vẫn gặp khó và phụ thuộc nhiều vào sức phục hồi của thị trường trong nước. Ảnh: AFP

Trong khi đó, nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong tháng 5 giảm sâu hơn dự kiến, gây áp lực lớn lên các nhà sản xuất Trung Quốc và tăng trưởng toàn cầu.

Theo Reuters, tổng kim ngạch thương mại thường đóng góp khoảng 1/3 GDP Trung Quốc. Hoạt động xuất nhập khẩu ảm đảm đang gây sức ép lên các nhà hoạch định chính sách nước này khi phải tính toán hỗ trợ sinh kế cho hơn 180 triệu lao động.

Theo số liệu hải quan công bố hôm nay 7/6, sau khi tăng bất ngờ 3,5% trong tháng 4, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 3,3% trong tháng 5, thấp hơn nhiều so với mức 7% được Reuters dự báo trước đó.

Còn nhập khẩu tháng 5 của Trung Quốc trượt dốc 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức giảm 14,2% trong tháng 4 và đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016.

Trước đó, các nhà kinh tế dự báo với Reuters rằng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm 9,7% trong tháng 5.

Wang Jun, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Zhongyuan (Trung Quốc) đánh giá, xuất khẩu của Trung Quốc được hưởng lợi từ thị trường ASEAN, nhưng nhập khẩu của nước này vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu trong nước chưa tăng tương xứng và giá cả hàng hóa không giảm như kỳ vọng.

Nhờ đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 đạt kỷ lục 62,93 tỷ USD, cao nhất kể từ khi Reuters bắt đầu tổng hợp số liệu thương mại của nước này từ năm 1981.

Trong đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng lên 27,89 tỷ USD trong tháng 5. Các chuyên gia đánh giá, thặng dư thương mại với Mỹ tăng cao là do căng thẳng Mỹ - Trung thời gian qua gia tăng và Tổng thống Mỹ Donald Trump không có nhiều lựa chọn ngoài việc "gắn bó" với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.

Trước đó, các nhà kinh tế dự báo thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ đạt 39 tỷ USD trong tháng 5 sau khi đạt 45,34 tỷ USD trong tháng 4.

Kết quả các cuộc khảo sát chính thức và tư nhân về khu vực nhà máy Trung Quốc cho thấy các chỉ số phụ về đơn hàng xuất khẩu trong tháng 5 vẫn giảm sâu. Lợi nhuận của doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp “bốc hơi” gần 30% trong 4 tháng đầu năm 2020.

Xuất khẩu vật tư y tế được xem là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Trung Quốc khi nước này thống trị chuỗi cung ứng các mặt hàng này. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu vật tư y tế Trung Quốc đang đối mặt với thách thức lớn khi lượng tồn kho lớn và nhiều đối tác nước ngoài hủy đơn hàng.

Xuất khẩu vật tư y tế của Trung Quốc đạt 71,2 tỷ nhân dân tệ trong quý I/2020. Riêng nửa đầu tháng 5, xuất khẩu vật tư y tế của nước này đã đạt 63,2 tỷ nhân dân tệ.

"Dù kim ngạch xuất khẩu vật tư y tế tăng ngoài mong đợi, nhưng khó khăn mà các doanh nghiệp thương mại truyền thống đang đối mặt là điều đáng ngại", Zhang Yi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty quản lý đầu tư Zhonghai Shengrong Capital Management nhận định.

Lần đầu tiên kể từ năm 2002, chính phủ Trung Quốc không đưa ra mục tiêu tăng trưởng hàng năm. Điều này cho thấy quan điểm thận trọng của Trung Quốc đối với việc nới lỏng chính sách, mặc dù một số dự báo cho rằng nhu cầu nội địa Trung Quốc sẽ phần nào hồi phục, còn tình hình xuất khẩu vẫn không thể dự báo trước.

GDP quý I/2020 của Trung Quốc giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. "Xuất khẩu trong thời gian tới của Trung Quốc có thể tăng trưởng âm, nhưng không nên quá bi quan vì mức sụt giảm sẽ trong vòng 10%", chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Yi nhận định.

Theo chuyên gia này, nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đối mặt nhiều bất ổn hơn, phụ thuộc nhiều vào sức phục hồi của thị trường trong nước và việc thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.

Trung Quốc khôi phục chương trình niêm yết chứng khoán tại London
Sau gần nửa năm trì hoãn, Trung Quốc vừa cho phép một công ty bảo hiểm niêm yết chứng khoán tại Anh theo Chương trình kết nối chứng khoán Thượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư