Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Xuất khẩu da giày, túi xách năm 2020 giảm 2 tỷ USD
Thế Hoàng - 13/01/2021 10:21
 
Đúng như dự báo đưa ra từ giữa năm 2020, do ảnh hưởng về sụt giảm đơn hàng tại nhiều thị trường, xuất khẩu da giày, túi xách chỉ đạt 20 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với 2019.
Xuất khẩu da giày-túi xách năm 2020 sụt giảm 2 tỷ USD so với 2019 vì dịch bệnh Covid-19.
Xuất khẩu da giày-túi xách năm 2020 sụt giảm 2 tỷ USD so với 2019 vì dịch bệnh Covid-19.

Ngành da giày - túi xách đã có 1 năm xuất khẩu đầy biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến kim ngạch sụt giảm 2 tỷ USD so với thực hiện năm 2019, nhưng kết quả này đã ghi nhận sự chuyển biến lớn của cả ngành, thích ứng nhanh với dịch bệnh để chặn được mức giảm thấp nhất.

Tại Tổng kết ngành da giày - túi xách 2020 và kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, kết thúc năm 2020, xuất khẩu da giày-túi xách đạt 20 tỷ USD, giảm 10% so với 2019.

"Thời điểm tháng 4, tháng 5, chúng tôi dự kiến mức sụt giảm xuất khẩu của ngành có thể lên tới 17-18% so với 2019, chứ không thể nói gì đến mục tiêu đề ra từ đầu năm của 2020 là 24 tỷ USD. Điều quan trọng hơn, hầu như các DN lớn vẫn duy trì được việc làm cho người lao động", đại diện Lefaso cho hay.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết: "Trải qua năm 2020 đầy biến động, các doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy về khả năng cung ứng và nghiên cứu phát triển, thiết kế mẫu, quản trị trên nền tảng số. Cụ thể, trước đây các công ty thiết kế đều phải có người thiết kế của các chuỗi, phải có chuyên gia… nhưng hiện giờ, việc duyệt mẫu, sửa mẫu đã được thực hiện online, việc chụp hình sửa mẫu cũng thực hiện online, khả năng ứng biến rất linh hoạt".

Đến nay, đa số các chuỗi cung ứng, các nhà phân phối đều rất tin tưởng vào năng lực nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như khả năng thích ứng với tác động của dịch bệnh. Đây là thành công lớn nhất của ngành da giày trong năm khó khăn vừa qua.

Theo ông Thuấn, mặc dù năng lực sản xuất của Trung Quốc hiện vẫn nắm giữ 50% sản lượng toàn cầu, nhưng lần đầu tiên xuất khẩu da giày của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 15%. Như vậy, giờ đây Trung Quốc không phải nơi cạnh tranh với mình về nguồn cung nữa mà đây là thị trường phải nhập khẩu nhiều mặt hàng mà Việt Nam sản xuất.

Đánh giá về triển vọng của ngành trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thuấn cho hay, hiện ngành da giày đang có những tín hiệu tốt khi các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường đang đã có đơn hàng cho năm 2021. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu nhận thấy những rủi ro từ thị trường này và bắt đầu dịch chuyển sản xuất, trong đó, Việt Nam với năng lực cung ứng từ 20-25 tỷ USD/năm được nhiều đối tác đưa vào tầm ngắm là địa điểm dịch chuyển sản xuất.

Bảo vệ quyền lợi cho dệt may, da giày xuất khẩu
Vitas sẽ tiếp tục hợp tác với Liên minh các Hiệp hội, nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam để yêu cầu USTR không áp đặt thuế lên ngành dệt may và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư