Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Xuất khẩu đối diện nhiều thách thức và áp lực chuyển đổi
Thế Hải - 11/06/2023 15:31
 
Thuế carbon, tiêu chuẩn về sản xuất xanh… là những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt. Để giữ được vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các ngành hàng cần có kế hoạch, lộ trình đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Thuế carbon, thuế tối thiểu toàn cầu đã rất gần

Trong 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, nên kim ngạch chỉ đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành hàng chủ lực giảm sút kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD so với cùng kỳ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, trong bối cảnh khó khăn bủa vây do sức cầu từ các thị trường lớn suy giảm, đơn hàng xuất khẩu ít, các doanh nghiệp còn gặp nhiều thách thức từ bên ngoài. Đó là quy định mới về thuế tối thiểu toàn cầu, về thuế carbon, các tiêu chuẩn hàng hóa xanh từ thị trường EU, Mỹ…

“Những quy định mới này đặt ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng, tuân thủ để giữ vững vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hiếu nói.

Trong rất nhiều chính sách được nêu ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, Chính phủ nên tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong việc đạt được các yếu tố nhằm tuân thủ các quy định mới từ bên ngoài. Đó có thể là hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiểm đếm CO2, để xuất khẩu đường dài. Việc hỗ trợ này tốt ở 2 mục tiêu, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, vừa mang tính dài hạn để các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, tăng trưởng khi thời cơ đến.

 - Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Từ đầu năm đến nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 37 tỷ USD; thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc, đạt 19,8 tỷ USD; tiếp theo là thị trường EU, đạt 18,4 tỷ USD. Các thị trường này vốn chưa bao giờ dễ tính và đều đang tăng chuẩn với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu, dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), việc EU ban hành đạo luật mới về thuế carbon nói riêng và chống biến đổi khí hậu nói chung sẽ tác động lớn đến các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.

Cụ thể, đạo luật mới của EU - Cơ chế Điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) quy định trực tiếp về thuế carbon sẽ được áp dụng với nhóm mặt hàng có hàm lượng phát thải cao. Còn quy định mới của EU về chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) áp dụng với một số nhóm mặt hàng nông - lâm nghiệp.

Các chính sách của EU sẽ chặn bớt việc nhập khẩu các sản phẩm có lượng phát thải carbon cao, qua đó làm thay đổi lựa chọn của các quốc gia đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa.

CBAM áp dụng từ 1/10/2023. Đây là thời điểm bắt đầu giai đoạn quá độ, các doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện khai báo mức độ phát thải với 6 nhóm sản phẩm, bao gồm nhôm, sắt thép, phân bón, xi măng, điện và hydrogen, nhưng chưa phải trả thêm chi phí.

Ông Hải phân tích: “Thuế carbon là một cách nói hình tượng. Bản chất CBAM không phải là thuế, nhưng tạo ra thêm chi phí để khuyến khích hay buộc doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ sản xuất, giảm phát thải”.

Ví dụ, với sắt thép, các nhà sản xuất phải nhanh chóng chuyển đổi để quá trình sản xuất cắt giảm được phát thải, quan tâm đến môi trường, khí hậu, bởi sản phẩm nào có mức độ phát thải nhà kính trong quy trình sản xuất vượt quá mức quy định của EU thì sẽ bị đánh thuế carbon.

Còn với quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Hiện nay, hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Chuyển hướng là con đường tất yếu

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đứng trong top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất, là địa chỉ cung ứng rất nhiều loại hàng hóa, từ nông sản tới điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép, sắt thép…, nên con đường tất yếu là phải đầu tư theo lộ trình để đạt các mục tiêu giảm phát thải, duy trì cạnh tranh quốc gia.

Xu hướng phát triển xanh, bền vững đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Các thị trường nhập khẩu đều triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm gây phát phải lớn.

Giờ đây, không phải cứ có năng lực sản xuất là có thể bán được hàng. Nếu không tuân thủ, đáp ứng các tiêu chí từ quốc gia nhập khẩu, hàng hóa sẽ bị đánh thuế cao, lâu dần sẽ bị mất thị trường.

Thời gian qua, hầu hết các ngành hàng chủ lực của Việt Nam đều bị sụt giảm xuất khẩu nghiêm trọng, nhưng thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sớm chuyển đổi sản xuất theo xu hướng xanh, cắt giảm phát thải thì vẫn đón nhận không ít đơn hàng.

Tổng công ty Việt Thắng - CTCP cho hay, chuyển đổi sản xuất xanh đã được doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng yêu cầu từ các nhà mua hàng quốc tế. Doanh nghiệp đã đầu tư thay toàn bộ hệ thống chiếu sáng kiểu cũ bằng các hệ thống chiếu sáng led mới tiết kiệm năng lượng; đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời để có nguồn năng lượng xanh, sạch đáp ứng một phần cho sản xuất; đầu tư chiều sâu vào các máy móc thiết bị mới sử dụng biến tần, động cơ tiết kiệm năng lượng...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư