Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu gạo giảm cả giá và lượng
Thế Hoàng - 15/03/2021 15:29
 
Trái ngược với mức tăng ấn tượng của năm 2020, xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2021 đang chứng kiến dấu hiệu giảm tốc thấy rõ về cả sản lượng lẫn trị giá.

Sụt giảm khá sâu

Theo số liệu của Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng gạo xuất khẩu đã giảm 31,4%, trị giá cũng giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2020, lần lượt đạt 638 triệu tấn và 352 triệu USD. So với sản lượng 929 triệu tấn và 431 triệu USD thực hiện cùng kỳ năm trước, gạo trở thành mặt hàng có mức giảm sâu so với nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như thủy sản, điều, rau quả, chè…

Yếu tố khiến gạo Việt tự tin có thể đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới là nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới vẫn tăng cao, nhiều quốc gia tăng mua dự trữ lương thực...

Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh mẽ trên được các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành chỉ ra rằng, hàng năm vào thời điểm này, các hợp đồng Chính phủ đã có nhiều, nhưng năm nay chưa nhiều, mà chỉ có các hợp đồng thương mại của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam - vẫn chưa công bố lượng hạn ngạch cho năm 2021. Năm 2020, Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt 2,22 triệu tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, tăng 4% về lượng, tăng 19,3% về kim ngạch so với năm 2019.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 10/3/2021, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam quanh mức 508-512 USD/tấn; gạo 25% có giá 483-487 USD/tấn và gạo 100% tấm còn 428-432 USD/tấn. Mặc dù sụt giảm so với cuối năm 2020, nhưng so với một số quốc gia xuất khẩu, mức giá này vẫn được các thương nhân đánh giá ở mức tương đối cao (gạo 5% tấm của Ấn Độ ngày 10/3 chào bán 398-402 USD/tấn, còn Pakistan là 443-447 USD/tấn).

Không quá quan ngại

Là một trong những nhóm hàng xuất khẩu đóng góp giá trị vài tỷ USD/năm, gạo Việt đang có sự chuyển đổi mạnh theo hướng giảm sản lượng, nhưng tăng về chất. Điều này có thể nhìn thấy ở con số xuất khẩu những năm gần đây.

Cụ thể, năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,15 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD, tăng hơn 10% về trị giá và giảm 3,5% về lượng so với năm 2019. Đáng nói, giá xuất khẩu bình quân cả năm 2020 ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019 và là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây.

Với kết quả trên, Liên bộ Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Cả 2 mục tiêu lớn do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với sản xuất, xuất khẩu gạo đều đã đạt được. An ninh lương thực được bảo đảm tuyệt đối trong năm 2020, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất, khi dịch bệnh bùng phát và nước ngoài tăng mạnh mua gạo từ Việt Nam”.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA đánh giá, 2020 là năm thành công trong xuất khẩu của ngành lúa gạo Việt Nam. Kết quả này có được một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, làm tăng nhu cầu sử dụng lương thực ở nhiều quốc gia, phần khác do ngành sản xuất lúa gạo những năm gần đây đã tái cơ cấu đúng hướng, giảm lượng gạo cấp thấp, tăng gạo thơm chất lượng cao, nên cạnh tranh tốt hơn, giá xuất khẩu cao hơn.

Dù thị trường 2 tháng đầu năm 2021 có sự biến động theo chiều hướng giảm, nhưng không đáng ngại, bởi thị trường gạo thế giới biến động là điều bình thường, những doanh nghiệp làm thương mại gạo quốc tế đã quen với điều này. Yếu tố khiến ngành gạo Việt tự tin với khả năng có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới là nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới vẫn tăng cao, nhiều quốc gia tăng mua dự trữ lương thực do dịch bệnh và điểm cộng từ khả năng cung ứng gạo xuất khẩu xuyên suốt, liên tục, ngày càng chuyên nghiệp của Việt Nam.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá lúa gạo năm 2020-2021 đang tiếp tục có lợi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng là Việt Nam gia tăng trồng các giống lúa chất lượng, cộng với nhu cầu của thế giới với chủng loại gạo này tăng lên.

“Các yếu tố này cộng với việc Việt Nam có mùa đông xuân thu hoạch sớm hơn, có bước chuẩn bị để doanh nghiệp có thể ký kết với các quốc gia khiến giá lúa trong nước tăng lên theo nhu cầu xuất khẩu và giá lúa gạo trên toàn cầu cũng có xu hướng tăng lên.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu cho khách hàng thế giới. Chẳng hạn, Công ty TNHH Vrice cho biết, đang có các hợp đồng thương mại đến hết tháng 6/2021 đi EU giá cao gần 700 USD/tấn với gạo thơm. Hiện tại, việc thu mua lúa tại nội địa vẫn được Công ty tiến hành bình thường để kịp tiến độ sản xuất, giao hàng cho đối tác.

Các doanh nghiệp lớn như Trung An, Lộc Trời… cũng khẳng định không thiếu đơn hàng xuất khẩu, mà mấu chốt là đàm phán được giá cao nhất có thể với các loại gạo đặc sản, gạo thơm jasmine…

Tăng số lượng thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Tính đến ngày 18/1/2021, danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên phạm vi cả nước đã lên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư