Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu giày dép Việt Nam tăng hơn 4 lần trong 10 năm
Thế Hoàng - 14/11/2021 08:44
 
Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với 1,233 tỷ đôi năm 2020, lần đầu tiên vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới, tăng hơn 4,4 lần.
Xuất khẩu giày dép đã tăng 4,4 lần trong 10 năm.
Xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã tăng 4,4 lần trong 10 năm.

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu 

Với lượng xuất khẩu đạt 1,23 tỷ đôi trong năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới, tăng 4,4 lần so với năm 2011, theo dữ liệu công bố bởi World Footwear Yearbook 2021.

Cụ thể, tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới năm 2020 đạt 12,1 tỷ đôi giảm 19% so với năm trước, thấp nhất trong 10 năm qua, trong đó Việt Nam chiếm 10,2% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới.

Đại dịch covid-19 đã phá vỡ chuỗi giá trị quốc tế, dẫn đến giảm tỷ lệ xuất khẩu, từ 62% trong năm 2019 xuống 59% trong năm 2020.

Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với lượng xuất khẩu đạt 1,233 tỷ đôi trong năm 2020, lần đầu tiên vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới (chiếm 10,2%), tăng 4,4 lần so với năm 2011.
Nguồn World Footwear Yearbook 2021

Tất nhiên, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu giày dép, với lượng đạt 7,402 tỷ đôi, chiếm 61,1% thị phần. Nhưng, trong 10 năm qua, thị phần xuất khẩu giày dép của Trung Quốc giảm 12%, từ mức 73,1% năm 2011 xuống còn 61,1% năm 2020. Sự sụt giảm này đến từ sự vươn lên của Việt Nam, Indonesia và một số thị trường khác. 

Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. Các quốc gia kế tiếp gồm Indonesia xuất khẩu 366 triệu đôi (3% thị phần); Đức 301 triệu đôi (2,5% thị phần); Thổ Nhĩ Kỳ 280 triệu đôi (2,3% thị phần).

Hàng loạt thương hiệu giày dép nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Reebok, Puma… đều đã được gia công và sản xuất ở Việt Nam với số lượng lớn.

Việt Nam chiếm 10,2% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới
Việt Nam chiếm 10,2% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới.

Việt Nam là nhà xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2019 tăng 12,1%/năm. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch covid-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam giảm 9,1% so với năm 2019.

Tính chung trong giai đoạn 2016 – 2020, xuất khẩu giày dép của Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,4%/năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 có xu hướng tăng từ 10,3% trong năm 2016 lên 13,6% trong năm 2020.

Bộ Công Thương khẳng định, giày dép là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước), với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,2%/năm trong giai đoạn 2015 – 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam giảm 8,3% so với năm 2019, đạt 16,79 tỷ USD. 

Sản phẩm giày dép ở Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó tập trung ở những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh,…

Tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

Tín hiệu xuất khẩu giày dép đã hồi phục mạnh mẽ vào những tháng đầu, nhưng đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) đã đẩy nhiều doanh nghiệp da giày vào tình thế khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất, trong khi nhiều chi phí tăng cao, nguồn lao động không đảm bảo...

Từ cuối tháng 9/2021 tình hình dịch bệnh có cải thiện, nhưng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong quý III/2021 đạt 2,925 tỷ USD, giảm 47,7% so với quý II/2021 và giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu xét về số tuyệt đối thì trong số các ngành hàng xuất khẩu, giày dép là mặt hàng có kim ngạch sụt giảm mạnh nhất so với quý II/2021, khi giảm 2,67 tỷ USD; so với cùng kỳ năm 2020 thì đứng thứ 2 (sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm), khi giảm 1,08 tỷ USD.

Tuy nhiên, do các tháng đầu năm xuất khẩu giày dép vẫn tăng cao nên tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,31 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020 – thấp hơn mức tăng 12,8% của 9 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19). 

Trong tháng 10, sản xuất đã trên đà phục hồi, xuất khẩu đạt 750 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng đạt trên 14 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ (tương đương gần 600 triệu USD). 

Hôm đầu tháng 11, Tập đoàn Nike cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương của Việt Nam đã quay lại sản xuất sau một thời gian tạm ngừng sản xuất vì dịch Covid-19.  Ông Noel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike cam kết, Nike sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất giày dép, quần áo lớn nhất cho Tập đoàn Nike trên toàn cầu. Hoạt động đầu tư mở rộng của Nike được tiến hành mạnh mẽ trong hơn chục năm qua, cùng với viêc duy trì các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, Indonesia...

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), tại Việt Nam có gần 100 nhà máy của Nike đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, nên khi khu vực này phải giãn cách xã hội dài ngày vì covid-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động, giao đơn hàng của họ. Vì thế, trong giai đoạn giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam, một số đơn hàng của Nike đã được chuyển sang nhà máy ở một số quốc gia khác thực hiện.

Cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam cũng được CEO của hãng khẳng định trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành hồi tháng 9 năm nay.

CEO của Nike khẳng định không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác. Doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Tập đoàn Nike  ủng hộ viêc thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam và cam kết sẽ giúp Việt Nam để vượt qua đại dịch, trở lại trạng thái bình thường mới.

Toàn bộ nhà máy của Nike tại Việt Nam đã sản xuất trở lại
Tập đoàn Nike cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương của Việt Nam đã quay lại sản xuất sau một thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư