Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu hải sản sang EU giảm sút do tác động của "thẻ vàng" IUU
Phương Anh - 16/01/2020 18:27
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), năm 2019, xuất khẩu hải sản Việt Nam ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018. Hầu hết các thị trường lớn đều tăng, trong khi xuất khẩu sang thị trường EU sụt giảm 11,5%.
.
Năm 2019, xuất khẩu hải sản Việt Nam ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018. 

VASEP cho biết, năm 2019, xuất khẩu hải sản Việt Nam ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018, chủ yếu tăng ở cá ngừ (tăng 12% đạt 728 triệu USD) và các loại cá biển khác (tăng 15% đạt 1,65 tỷ USD). Trong đó tới 65-70% doanh số thu được từ cá ngừ và cá biển khác là từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Về thị trường, xuất khẩu hải sản tăng chủ yếu ở các thị trường khác, trong khi xuất khẩu sang thị trường EU sụt giảm 11,5%, trong đó cá ngừ giảm 11%, mực, bạch tuộc giảm 20%. Như vậy, từ thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, EU đã tụt xuống thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

VASEP nhận định kết quả này đã phản ánh hệ lụy của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. 

Theo VASEP riêng về mặt hàng cá ngừ, tính tới tháng 11 năm 2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 668,9 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó xuất khẩu cá ngừ mã HS 03 tăng 23,7%, cá ngừ mã HS 16 giảm 0,7%. 

Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất là cá ngừ loin/phile đông lạnh với 342,5 triệu USD, tiếp đến là cá ngừ hộp với 167,2 triệu USD, các sản phẩm chế biến khác khoảng 117,3 triệu USD, còn lại là cá ngừ tươi/đông lạnh với trên 41,2 triệu USD.

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng 44,5% trong tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đi các thị trường. 

Còn về mực, bạch tuộc, lũy kế 11 tháng của năm 2019, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 531,2 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam chỉ tăng trong hai tháng 1 và 3/2019, các tháng còn lại đều giảm.

Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam, bạch tuộc chiếm tỉ trọng cao hơn với 51,1%, còn lại mực chiếm 48,9%. 

Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc sống/tươi/đông lạnh (chiếm tỉ trọng 71%), các sản phẩm chế biến vẫn chưa nhiều (chiếm 29%).

Xuất khẩu thuỷ sản có nhiều tín hiệu tăng trưởng trở lại
Những tháng đầu năm xuất khẩu thuỷ sản đã có sự giảm sút, bước sang tháng 7, tình hình xuất khẩu thủy sản có tín hiệu khả quan các mặt hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư