Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu hàng hóa “hụt hơi” trong tháng Tư
Hà Nguyễn - 29/04/2020 15:15
 
Sau khi dồn sức đẩy mạnh xuất khẩu trong những ngày cuối tháng Ba, các doanh nghiệp đã bắt đầu có dấu hiệu “hụt hơi” trong tháng Tư. Và do đó, trong tháng này, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 18,4% so với tháng trước.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Cuối tháng Ba, số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan cho thấy, có một sự bứt phá đáng ngạc nhiên của kim ngạch xuất khẩu, khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của 3 tháng đầu năm vẫn chạm tới con số 7,5%.

Lý giải về điều này, trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, được công bố sáng 29/4, Tổng cục Thống kê cho biết, do lo ngại việc tạm dừng xuất, nhập khẩu ở các thị trường lớn đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong 10 ngày cuối tháng Ba. Thậm chí, Samsung Việt Nam gần như đã hoàn thành xuất khẩu sản phẩm điện thoại phiên bản mới. 

Tuy nhiên, sang tháng Tư, khi lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội được nhiều quốc gia sử dụng rộng khắp, kim ngạch xuất khẩu đã bị ảnh hưởng lớn.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2020 ước tính đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,35 tỷ USD, giảm 16,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,35 tỷ USD, giảm 19,1%. 

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2020 giảm 3,5%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,5%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 26,45 tỷ USD, tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 56,49 tỷ USD (chiếm 68,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 1,5%.

Như vậy, dù tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, song nhờ “lực đỡ” của 3 tháng đầu năm, nên tính chung, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng vẫn tăng. Dù con số tăng không cao như mục tiêu đề ra, song trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh tới kinh tế toàn cầu, thì mức tăng 4,7% vẫn rất đáng ghi nhận.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao như: Điện thoại và linh kiện - đạt 16,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện - đạt 12,4 tỷ USD, tăng 28,6%; hàng dệt may - đạt 8,9 tỷ USD, giảm 5,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng - đạt 6,9 tỷ USD, tăng 29,6%; giày dép - đạt 5,5 tỷ USD, tăng 1,3%; gỗ và sản phẩm gỗ - đạt 3,4 tỷ USD, tăng 10,1%...

Hiện, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD, tăng 26,7%. Thị trường EU đạt 10,7 tỷ USD, giảm 8,1%. Thị trường ASEAN đạt 8,2 tỷ USD, giảm 3,4%. Nhật Bản đạt 6,7 tỷ USD, tăng 10,1%. Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, giảm 0,2%

Ở chiều ngược lại, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2020 ước tính đạt 20,4 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính đạt 22,7 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 2,5%; ASEAN đạt 9,9 tỷ USD, giảm 7,8%; Nhật Bản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,9%; Hoa Kỳ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,6%; EU đạt 4,5 tỷ USD, tăng 8%.

Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tháng Tư ước tính nhập siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,1 tỷ USD.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư