Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Xuất khẩu hồ tiêu tăng sản lượng những tháng cuối năm
Trúc Anh - 26/09/2021 20:24
 
Giá xuất khẩu hồ tiêu tăng, khách hàng quay lại thu mua là những tín hiệu tích cực đối với người nông dân, doanh nghiệp, giúp ngành xuất khẩu hồ tiêu gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều tín hiệu khả quan

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hồ tiêu của Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (TP.HCM) liên tục tăng. Tính riêng 7 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường châu Âu, Hàn Quốc và châu Mỹ tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020.

“Năm nay, xuất khẩu hồ tiêu của Công ty tăng cao so với năm ngoái. Một phần, do nhiều nước bắt đầu mua trở lại và chuẩn bị nguyên liệu cho các đơn hàng sản xuất của quý cuối năm. Hơn nữa, nhiều nhà sản xuất tăng mua hàng từ Việt Nam, do họ không mua được nguyên liệu từ Indonesia”, ông Nguyễn Vũ Hiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Phúc Thịnh chia sẻ.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, Công ty Phúc Thịnh sẽ xuất khẩu thêm khoảng 300 tấn tiêu.

Là một trong những đối tác lớn cung cấp sản phẩm hồ tiêu cho thị trường EU, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk cũng có kế hoạch xuất khẩu khoảng 1.100 - 1.200 tấn trong những tháng còn lại của năm. Đầu năm nay, xuất khẩu của Công ty sụt giảm nhẹ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng trong 2 tháng qua, sản lượng xuất khẩu của Công ty đã tăng trở lại, tương đương cùng kỳ năm 2020.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Công ty cổ phần Prosi Thăng Long (Hà Nội) cho biết, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là cước vận tải biển tăng liên tục, thậm chí nhiều thời điểm còn không có tàu. Tuy nhiên, Prosi Thăng Long vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1.000 tấn hồ tiêu trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021.

Giá xuất khẩu tăng, người dân và doanh nghiệp có nhiều thuận lợi

Trong những ngày đầu tháng 9/2021, giá tiêu trên thị trường thế giới có xu hướng tăng. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), giá hạt tiêu tại thị trường trong nước hiện khoảng 76.000 - 80.000 đồng/kg, còn giá xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2021 đạt 3.736 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 1/2018.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt hơn 197.000 tấn, trị giá 654,6 triệu USD, giảm 2% về lượng, nhưng tăng 48% về giá trị so với cùng kỳ.

Ông Lê Đức Huy, Ủy viên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam lý giải, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu sụt giảm trong khi giá tăng là do mất mùa và hết hàng dự trữ. “Trong 5 năm qua, do cung vượt cầu, nên giá hồ tiêu giảm, chạm đáy vào năm 2020. Bởi vậy, năm nay, diện tích cây trồng giảm 20%, từ 150.000 - 160.000 ha xuống còn 130.000 ha, dẫn đến sản lượng giảm tương ứng. Hơn nữa, hàng dự trữ trong kho của nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu cũng không còn nhiều”, ông Huy nói.

Dự báo tình hình thị trường hồ tiêu từ nay đến cuối năm, ông Huy cho rằng, sản lượng xuất khẩu sẽ giảm nhiều do lượng hàng dự trữ còn ít. Về giá, theo ông Huy, chưa thể khẳng định chắc chắn giá sẽ tăng hay không trong thời gian tới, song trước mắt, người nông dân vẫn đang có thuận lợi, vì các cam kết nguồn hàng đã được hoàn thành trước quý IV/2021.

Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, đại điện Prosi Thăng Long cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của ngành hồ tiêu đã qua. “Hiện tại, giá xuất khẩu đã tăng so với giai đoạn trước, nên nông dân đỡ vất vả hơn, nhiều đại lý giữ hàng cũng đỡ lỗ hơn. Tuy nhiên, để nhu cầu mặt hàng hồ tiêu bật lên mạnh hơn, thì Covid-19 phải được kiểm soát và cước vận tải biển phải giảm xuống.

Xuất khẩu hạt tiêu cảnh giác với chu kỳ “nóng - lạnh”
Năm 2014, lần đầu tiên hạt tiêu gia nhập “câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD” của Việt Nam. Điều hoan hỷ ấy không phải chờ đến cuối năm, mà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư