Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu sang EAEU chưa dễ bật tăng
Hải Yến - 07/03/2017 19:24
 
Tổng giá trị thị trường hàng dệt may khối Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) là 13 tỷ USD, nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang khu vực này chưa đạt 200 triệu USD. Chặng đường để biến cơ hội thành lợi nhuận mang về từ xuất khẩu cần thêm thời gian.
.
FTA Việt Nam - EAEU đã có hiệu lực từ tháng 10/2016

Thủy sản, giày dép, hàng dệt may, hoa quả chế biến…, những ngành hàng xuất khẩu vốn được cho là có lợi thế và tốc độ tăng trưởng nhanh sang các thị trường thuộc EAEU sẽ chưa có khả năng tiến những bước dài trong năm 2017 như kỳ vọng.

Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EAEU có hiệu lực, kim ngạch xuất - nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2015 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18 - 20%/năm.

Là ngành hàng đóng góp gần 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, 2 năm về trước, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) từng dự báo, ngay sau khi FTA với Liên minh này có hiệu lực, kim ngạch hàng dệt may giữa hai bên sẽ tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20%/năm trong 5 năm tiếp theo.

“Giá trị xuất khẩu dệt may sẽ sớm tăng lên 1 tỷ USD trong 1-2 năm tới và Việt Nam sẽ tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường này”, theo Vitas.

Nhưng sự thể đã khác. Đầu năm nay, khi nhận định về tương lai xuất khẩu dệt may, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas thừa nhận, FTA Việt Nam - EAEU đã có hiệu lực, nhưng thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại đây còn quá nhỏ bé. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may mới đạt chưa đầy 200 triệu USD trên tổng lượng tiêu dùng khoảng 13 tỷ USD của toàn Liên minh.

“Các doanh nghiệp nếu muốn tăng nhanh giá trị xuất khẩu thì phải nỗ lực vượt bậc để thâm nhập thị trường và từng bước nâng cao thị phần, bởi Hiệp định đã có hiệu lực từ đầu tháng 10/2016”, ông Trường nói.

Dự báo về khả năng khó tăng xuất khẩu ngay, nên giải pháp lớn về thị trường của ngành dệt may là tiếp tục đặt trọng tâm vào Mỹ và Nhật Bản. Duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% cho 2 thị trường này là giải pháp chính cho việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 30 tỷ USD trong năm 2017.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, cả nước hiện có khoảng 938 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang khối EAEU, trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng: thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại; 738 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể.

Trong Bảng thống kê xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường năm 2016 của Bộ Công thương, ngoài Liên bang Nga với giá trị xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD, tăng 15,2% so với mức 1,45 tỷ USD của năm 2015, thì các thị trường còn lại trong Liên minh EAEU như Belarus không có thống kê. Đặc biệt, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan còn không thấy xuất hiện về số liệu thương mại trên Bảng thống kê của Bộ Công thương.

“Đơn hàng xuất khẩu quá nhỏ, giá trị không đáng là bao, khiến doanh nghiệp không mặn mà với các đơn hàng nhỏ lẻ”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu giày dép, túi xách tại Bình Dương cho hay.

Theo nhà sản xuất này, nếu là những thị trường mới, có khả năng khai thác đơn hàng tốt, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư thêm chuyền sản xuất mặt hàng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu như đã từng làm với đối tác Hoa Kỳ, EU, nhưng sự thực là đến nay, dù hết sức coi trọng công tác thị trường, tìm kiếm đối tác, Công ty chưa hề nhận được đơn hàng nào từ khối thị trường thuộc Liên minh này.

Tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang Nga mới dừng ở mức 60-70 triệu USD/năm. Các thị trường còn lại rất ít doanh nghiệp khai thác được đơn hàng xuất khẩu.

Theo ông Beketjan Jumakhanov, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam, hàng hóa từ Việt Nam tới các nước thuộc EAEU thường đi đường biển tới cảng St Petersburg (Nga), rồi từ đó vận chuyển tới nơi cần đến, nhưng thời gian kéo dài từ 30-45 ngày. Đây chính là rào cản lớn cho các loại hàng hóa như nông sản, hoa quả tươi, thủy sản… và là điểm nghẽn khiến cho trao đổi thương mại giữa Việt Nam với EAEU còn khá hạn chế.

“Việt Nam nên nghiên cứu cải thiện khâu vận chuyển hàng hóa, nhất là nông sản sang EAEU với thời gian ngắn hơn”, Đại sứ Beketjan Jumakhanov khuyến cáo.

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Liên minh kinh tế Á - Âu
Gần 950 doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động xuất khẩu sang Liên minh kinh tế Á-Âu (VCUFTA) và những DN muốn thâm nhập thị trường này sẽ có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư