Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu sang Hàn Quốc còn nhiều cơ hội tăng tốc
Thế Hải - 08/12/2022 09:14
 
Việt Nam đang thực thi 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, là cú hích đáng kể để hàng hóa Việt Nam tăng tốc thâm nhập thị trường Hàn Quốc và tận dụng ưu đãi thuế quan.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam

Theo báo cáo 11 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công thương, Việt Nam xuất khẩu 22,5 tỷ USD hàng hóa sang Hàn Quốc, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam, sau Mỹ, EU, Trung Quốc. FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ cuối năm 2015 đang tạo thuận lợi đáng kể cho hoạt động xuất nhập khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp hai nước.

Năm 2021, dù đại dịch bủa vây, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu 21,9 tỷ USD, tăng 14,9%. Theo Bộ Công thương, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển từ đa phần là nông, lâm, thủy sản sơ chế, nguyên liệu thô và hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang nhóm hàng có hàm lượng công nghệ cao hơn, như điện tử, nông, lâm, thủy sản chế biến sâu, cơ khí chế tạo và hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó hơn 1/2 là các mặt hàng điện tử và khoảng 1/4 là của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, trong đó có Samsung. Điều đó cho thấy đóng góp quan trọng của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Với các FTA đang thực thi, các loại nông sản cao cấp của Việt Nam như gạo thơm, gạo lứt, trái cây tươi, hàng thủy sản cũng rộng đường sang Hàn Quốc. Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An liên tục trúng các gói thầu xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc trong những năm qua. Mới đây nhất, doanh nghiệp đã trúng gói thầu xuất khẩu 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc, dự kiến xuất khẩu vào đầu năm 2023. 

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, Hàn Quốc là thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao, nhưng một khi doanh nghiệp đã chinh phục được thị trường này qua các đợt đấu thầu quốc tế, thì không lo lắng thiếu khách hàng. Đây cũng là thị trường xuất khẩu chủ lực nhiều loại gạo của Trung An.

Trái xoài tươi và chuối cũng có triển vọng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Mỗi năm, thị trường này nhập khoảng 140 triệu USD chuối tươi, nhưng Việt Nam mới xuất được xấp xỉ 5 triệu USD. 

Xuất khẩu còn tiến xa

FTA ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), VKFTA, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực thi tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc và gia tăng tận dụng ưu đãi thuế quan.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP là FTA mới nhất được đưa vào thực thi từ đầu năm 2022, tạo thêm cho doanh nghiệp lựa chọn để có ưu đãi tốt nhất khi xuất khẩu. “Thủ tục hải quan được tạo thuận lợi đáng kể khi thực thi RCEP giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, thời gian, nhân lực”, bà Trang nói.

Quan trọng hơn, chất lượng thực thi các FTA với Hàn Quốc thể hiện ở tỷ lệ hưởng ưu đãi thuế quan cũng nổi trội hơn nhiều thị trường có FTA khác. Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tỷ lệ sử dụng ưu đãi theo C/O VK theo VKFTA đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 26,35%; mẫu AK theo AKFTA đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 24,58%. Tổng tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cho hàng hóa Việt Nam xuất sang Hàn Quốc tại 2 FTA trong năm ngoái đạt gần 51% tổng kim ngạch xuất sang thị trường này, chỉ sau Ấn Độ và Chi Lê.

Các chuyên gia nhận định, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung, ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng áp lực rút ngắn thâm hụt thương mại với thị trường này cũng ngày càng lớn hơn, khi các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ việc đầu tư mở rộng và sản xuất hàng xuất khẩu.

[Infographic] 7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 14,8%
7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước trong đó xuất khẩu tăng 16,1%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư