Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu sợi nghẽn vì thuế chống bán phá giá
Thế Hải - 15/06/2017 08:53
 
Nhiều nước đã áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm sợi của Việt Nam, khiến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.
.
Những năm gần đây, các thị trường xuất khẩu lớn tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm sợi Việt Nam

Thuế cản đường xuất khẩu sợi

Sợi xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp nhận “trát” thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các thị trường nhập khẩu lớn. Cuối tháng 3/2017, thêm một sản phẩm sợi là “Elastomeric Filament Yarn” đã bị Tổng vụ Chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) chính thức áp thuế lên tới 35-45%.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá tới 72,56% với sợi dún polyester nhập khẩu từ Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp trầy trật vì chịu thuế cao.

Là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sợi dún polyester sang Thổ Nhĩ Kỳ, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) cho rằng, biên độ thuế chống bán phá giá mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đối với sợi dún polyester filament (DTY) nhập khẩu từ Việt Nam (34,81 - 72,56%) là cao bất hợp lý.

Cũng theo số liệu từ STK, thị phần của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ giảm từ 9,8% năm 2015 xuống 5,7% năm 2016 do sức cầu yếu, cộng thêm sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà sản xuất khác và thuế chống bán phá giá.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), những năm gần đây, các thị trường xuất khẩu lớn tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với sợi Việt Nam.

Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, hàng xơ sợi xuất khẩu của Việt Nam bị kiện đến 7 vụ, trong đó có 5 vụ kiện chống bán phá giá, 1 vụ kiện chống trợ cấp và 1 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ từ Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Ấn Độ và Brazil.

Nên có biện pháp đáp trả

Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1/3 lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam, nhưng thị trường này áp thuế chống bán phá giá với sợi Việt Nam trong vài năm qua, khiến doanh nghiệp chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sợi vào Trung Quốc, Hàn Quốc…, như cách làm của STK.

Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc STK cho biết, năng lực sản xuất của STK là 60.000 tấn/năm. Khi thị trường Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá, Công ty đã tìm được thị trường mới là Hàn Quốc.

Dù vậy, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cũng có những trở ngại không nhỏ. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thời gian qua, các doanh nghiệp sợi đã gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhưng nguy cơ thị trường này dựng hàng rào thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước rất cao.

“Năm 2016, xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi sang Trung Quốc đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 19,3%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu xơ sợi đã chiếm gần 2 tỷ USD. Tuy nhiên, việc bị dựng các biện pháp phòng vệ thương mại là rất lớn”, đại diện Vitas nói.

Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, sợi polyester xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng đã bị nước này “để mắt” tới. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận được đơn kiện yêu cầu điều tra chống bán phá giá với sợi polyester nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. 

Bức xúc trước tình trạng sợi xuất khẩu bị áp thuế cao tại một số thị trường, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas đề nghị, Bộ Công thương nên xem xét cùng với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đưa ra ngay các biện pháp “trả đũa” thương mại, như áp thuế chống bán phá giá hoặc dựng hàng rào kỹ thuật với một số mặt hàng nhập khẩu từ những quốc gia này.

Sợi Thế Kỷ chuyển thị trường mục tiêu
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống phá giá, cơ cấu doanh thu của Sợi Thế Kỷ (STK) có biến động lớn. Lợi nhuận sau thuế STK chỉ đạt 28.6 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư