Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 07 năm 2024,
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 tăng chậm
Hoài Sương - 10/06/2024 15:19
 
Ở top 4 thị trường hàng đầu, Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%; xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU tương đương cùng kỳ năm ngoái; xuất sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.

Xuất khẩu tăng chậm ở các thị trường trọng điểm

Ngày 10/6, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên năm 2024 với chủ để “Xuất khẩu thủy sản Việt Nam hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024” tại TP.HCM.

Hội nghị toàn thể hội viên năm 2024.

Theo VASEP, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất, với 84%; cá ngừ cũng tăng tích cực với 22%; xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%; xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%.

Ngoài ra, trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%.

Ở top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, đạt 605 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%. 

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024.

Hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy triển vọng kinh tế kém lý tưởng, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống vào năm 2024. Tăng trưởng ở Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ chậm lại, trong khi châu Âu chỉ tăng trưởng nhẹ do lạm phát thấp hơn thúc đẩy tiền lương thực tế.

Theo Ngân hàng Thế giới, triển vọng kinh tế tổng thể vào năm 2024 rất khó dự đoán và có thể thay đổi dựa trên một số yếu tố như: Lạm phát dai dẳng bất ngờ ở các nền kinh tế tiên tiến, tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc hoặc sự leo thang xung đột địa chính trị, giống như các cuộc chiến ở Ukraine và ở Trung Đông.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP chia sẻ tại hội nghị.

Đối với ngành thủy sản, tác động của lạm phát và các vấn đề kinh tế cũng đa dạng và khó dự đoán như đối với nền kinh tế nói chung. Vẫn còn những thách thức về tác động của lạm phát kéo dài và sự phục hồi của nhu cầu thủy sản; chi phí tăng cao và thu nhập khả dụng của hộ gia đình trì trệ vẫn là thách thức đối với người tiêu dùng ở các thị trường lớn…

Theo VASEP, với diễn biến xuất khẩu quý I tăng nhẹ 6,5% và những yếu tố tác động thị trường tiêu thụ như lạm phát, tồn kho… dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,4 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 7% đạt 1,65 tỷ USD, cá tra tăng nhẹ 4% đạt 910 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ tăng khả quan hơn với mức 20% đạt 457 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng nhẹ 1% đạt 294 triệu USD. Xuất khẩu cua ghẹ tăng 66% đạt 119 triệu USD và nhuyễn thể có vỏ tăng 12% đạt gần 74 triệu USD.

“Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III - thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm, nhằm đạt mục tiêu ngành đã đề ra”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP chia sẻ.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến bày tỏ mong muốn VASEP từ nay đến cuối năm 2024 cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận, mở rộng thị trường, tuân thủ quy định thị trường…

Đồng thời thông báo kịp thời tới Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để xử lý kịp thời, chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu.

“Cần tiếp tục vận động hội viên, doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình hiệu quả, phát triển thị trường, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật…”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Cá hồi Na Uy chinh phục người tiêu dùng Việt Nam
Nhìn thấy thị trường ẩm thực Việt Nam sẽ bùng nổ trong những năm tới, Hội đồng Hải sản Na Uy liên tục “bắt tay” WinCommerce, Golden Gate đưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư