Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2024 xấp xỉ 370 tỷ USD
Hải Yến - 20/06/2024 10:57
 
6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 370 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ Công Thương
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công thương) chia sẻ thông tin tại họp báo thường kỳ.

Thông tin vừa được ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công thương cho biết tại họp báo thường kỳ.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,1%, kế hoạch là 5,97-6,68%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước tăng 12,9%, kế hoạch là 5,92-6,84%; xuất khẩu ước tăng 13,8%, kế hoạch là 8,3%; nhập khẩu ước tăng 18,4%, kế hoạch là 13,7%.

Xuất khẩu nửa đầu năm ghi nhận phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt gần 189 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%).

Theo ông Sơn: "Đây mới là con số ước tính, vì chưa hết tháng 6, nhưng ngành Công thương đã vượt khó để phục hồi và đạt vượt mức kế hoạch trên hầu hết các chỉ tiêu được giao".

Đáng lưu ý, xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt gần 160 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 với nhiều nhóm sản phẩm tăng cao trong 5 tháng đầu năm như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ. 

Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao, nổi bật là thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 370 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, nửa cuối năm 2024, vẫn còn không ít thách thức với hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hoá.

"Xung đột địa chính trị căng thẳng tiếp tục đẩy giá cước vận tải leo thang, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Hơn nữa, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh", ông Sơn nói.

Nhưng, với hệ thống các Hiệp định thương mại tự do với hơn 60 thị trường, vẫn đang mở rộng cơ hội cho các ngành hàng, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan.

Bộ Công thương nói, sẽ triển khai mạnh các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng. Tập trung các giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư