Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Xuất nhập khẩu tính đến nửa đầu tháng 5 mới cán mốc 230 tỷ USD
Thế Hải - 19/05/2023 16:45
 
Thương mại toàn cầu chậm lại, nên hoạt động xuất nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 5 tiếp đà giảm, lũy kế đến 15/5, xuất nhập khẩu cả nước đạt 230 tỷ USD, giảm gần 40 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến 15/5 đã giảm gần 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến 15/5 đã giảm gần 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 5 (1-15/5), xuất khẩu của cả nước đạt 11,45 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 12,44 tỷ USD.

Mức thực hiện này tiếp tục giảm so với nửa cuối tháng 4, trong đó xuất khẩu giàm 21,3%, còn nhập khẩu tăng nhẹ 1,7%. Tổng kim ngạch xuất khẩu kỳ 1 tháng 5 đạt 23,89 tỷ USD, giảm 10,8% so với kỳ trước.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 230,59 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 118,58 tỷ USD, giảm 12,8%, nhập khẩu 112,1 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu 6,57 tỷ USD.

Kết quả này đã giảm gần 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ 2022 đạt 270,56 tỷ USD).

Nhìn chung các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép… đều giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.

Với quy mô kim ngạch nêu trên, những tháng đầu năm xuất nhập khẩu chỉ đạt bình quân 51,24 tỷ USD/tháng, trong khi con số này của cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 60 tỷ USD.

Thông tin về tình hình công nghiệp và thương mại 4 tháng 2023 tại họp báo thường kỳ Bộ Công thương, chiều 18/5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam, từ Mỹ, EU, Nhật Bản... đều giảm chi tiêu mua sắm hàng hóa khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi các ngành sản xuất trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu.

Đơn cử, nhóm ngành hàng điện tử, hàng dệt may, giày dép... chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.

Dự báo tình hình thương mại tháng cuối quý II, đại diện Bộ cho hay, sức mua tại các thị trường lớn vẫn hồi phục chậm, vì vậy sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động trong giai đoạn này, Bộ Công thương tiếp tục bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp theo phân công của Chính phủ để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư