Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Xuất nhập khẩu vẫn giảm mạnh, cán cân thương mại thặng dư 12,25 tỷ USD
Hà Nguyễn - 29/06/2023 16:43
 
Mặc dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 đã tăng so với tháng trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ. 6 tháng, mức giảm là 15,2%.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%.

Nửa đầu năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 373,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 187,2 tỷ USD, tăng 18%; nhập khẩu đạt 186 tỷ USD, tăng 16%.

Như vậy, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm tới 56,55 tỷ USD, một con số rất lớn, cho thấy sự suy giảm thương mại hàng hóa của Việt Nam là rất lớn.

Nếu tính riêng xuất khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu của tháng Sáu ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Với con số này, thì xuất khẩu hàng hóa trong quý II ước đạt 83,4 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã tăng 2,9% so với quý I/2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,41 tỷ USD, giảm 11,9%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 121,04 tỷ USD, giảm 12,2%, chiếm 73,6%.

Cầu thế giới suy giảm tiếp tục ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa của Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023m có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%.

Về nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 6/2023, con số ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trái ngược với xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu quý II ước đạt 76 tỷ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,2% so với quý I năm 2023. Xuất khẩu giảm, ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như Việt Nam, cho thấy khó khăn phía trước còn rất lớn.

Mức giảm của quý II khiến tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước chỉ đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,22 tỷ USD, giảm 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,98 tỷ USD, giảm 17,8%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,1%.

Dù xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng 6 tháng qua, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.

Số liệu thống kê cho thấy, ước trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 37,2 tỷ USD, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 14,5 tỷ USD, giảm 9,8%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,2 tỷ USD; nhập siêu từ Trung Quốc 24,5 tỷ USD, giảm 30,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 13,4 tỷ USD, giảm 34,8%; nhập siêu từ ASEAN 4 tỷ USD, giảm 39,1%.

Trong khi đó, cán cân thương mại hàng hóa sau nửa năm thặng dư tới 12,25 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,81 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,06 tỷ USD. Đây là mức xuất siêu cao nhất trong 10 năm gần đây.

Xuất siêu lớn, theo Tổng cục Thống kê, đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong khi đó, liên quan tới mức giảm mạnh của kim ngạch xuất nhập khẩu, khi trả lời câu hỏi của báo giới, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của 6 tháng hai năm trước đều đạt rất cao (năm 2022 tăng 17%; năm 2021 tăng 33,1%).

“Nếu so sánh về quy mô thì 6 tháng năm 2023 đạt tương đương với quy mô của 6 tháng năm 2021”, đại diện Tổng cục Thống kê nói.

Viện dẫn báo cáo của Tradingeconomics, cập nhật đến tháng 4/2023 cho 16 nền kinh tế lớn trên thế giới, thì có đến 13/16 quốc gia (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu; 12/16 quốc gia (chiếm 75%) cũng có tốc độ sụt giảm nhập khẩu trong tháng 4, Tổng cục Thống kê cho rằng, kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng vẫn có thể coi là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư