Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Y dược tư nhân cần một cuộc đại phẫu
Chí Tín - 27/02/2014 08:22
 
Thị trường y dược đang xuất hiện nút thắt bởi chưa có nhiều nhà đầu tư lớn. Do vậy, rất cần một cuộc “đại phẫu” nhằm tập trung cao hơn nguồn lực đầu tư, thay vì manh mún, dàn trải như hiện nay. Trực thăng chở bác sĩ đã đến cứu chữa nạn nhân vụ sập cầu >Rà soát cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập >Dự án Bệnh viện vệ tinh: Bộn bề với “núi” công việc

Nguồn vốn quá phân tán

Theo Bộ Y tế, hệ thống y tế tư nhân được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện phát triển nhằm huy động sự đóng góp nguồn lực của xã hội cho công tác khám chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Trên thực tế, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã ứng dụng các kỹ thuật cao, cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, góp phần giảm tải cho bệnh viện công lập.

Y dược tư nhân cần một cuộc đại phẫu
Từ một doanh nghiệp nhà nước, Dược Hậu Giang đã gây dựng uy tín và phát triển khá mạnh sau cổ phần hóa. Ảnh: Công Đạt

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hoạt động đầu tư của tư nhân vào y tế hiện còn rất manh mún. Số lượng cơ sở kinh doanh thuốc, khám chữa bệnh tư nhân rất nhiều, nhưng phần lớn là các cơ sở quy mô nhỏ.

Cụ thể, ngoài 157 bệnh viện tư nhân, số lượng các cơ sở y tế tư nhân quy mô nhỏ hiện lên tới hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế. Trong đó có 30 phòng khám đa khoa, 87 nhà hộ sinh, 30 phòng khám có vốn đầu tư nước ngoài, 29 cơ sở khám chữa bệnh có người nước ngoài tham gia, số còn lại là phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế…

Số lượng cơ sở y dược tư nhân quy mô nhỏ quá nhiều, mà chưa có nhiều bệnh viện và doanh nghiệp dược lớn, dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác quản lý.

Ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế từng phân trần rằng, với khối lượng cơ sở y tế tư nhân như trên, trong khi lực lượng thanh tra của Bộ chỉ có 33 người, nếu tính cả thanh tra tại các sở y tế thì cả nước có 290 thanh tra là quá mỏng. Hơn nữa, ngoài Hà Nội và TP.HCM, các địa phương còn lại chưa có thanh tra chuyên sâu về y dược.

Sở Y tế TP.HCM là đơn vị có số lượng cán bộ thanh tra y tế nhiều nhất toàn quốc cũng chỉ có 10 thanh tra viên về y và 8 thanh tra viên về dược, trong khi trên địa bàn có tới 13.000 cơ sở hành nghề y, dược. Tương tự tại Hà Nội, thanh tra về lĩnh vực y và dược mỗi bộ phận có 4 thanh tra viên, nhưng phải quản lý 2.308 cơ sở hành nghề y và 2.827 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập. Lực lượng thanh tra này, nếu hoạt động hết công suất, cũng không thể kiểm tra quá 50% cơ sở y dược tư nhân.

Cần tập trung nguồn lực

Trong bối cảnh trên, việc tập trung nguồn vốn để có những dự án y tế “ra tấm ra món” đang là một hướng đi đáng cân nhắc. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, một số mô hình bệnh viện và doanh nghiệp dược lớn, hoạt động bài bản là những mô hình cần nghiên cứu và nhân rộng.

Bệnh viện Quốc tế Việt Pháp Hà Nội là một trong những mô hình đầu tư nước ngoài khá thành công. Bệnh viện hiện có quy mô 68 giường bệnh và đang đầu tư nâng năng suất dịch vụ lên gấp 3 lần hiện nay vào.... Theo kỳ vọng, đến cuối năm 2014, Bệnh viện sẽ hoạt động với 100% công suất sau khi mở rộng.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Vinmec cũng là dự án bệnh viện thành công trong thời gian qua. Tuy chỉ là một bệnh viện do một tập đoàn ngoài quốc doanh đầu tư, nhưng Vinmec có tầm vóc một bệnh viện lớn và chuyên nghiệp, với 31 chuyên khoa cùng các đơn vị hỗ trợ chuyên sâu và công nghệ cao. Quy mô của Bệnh viện trên 600 phòng bệnh và phòng khám và được trang bị đầy đủ trang thiết bị.

Vinmec cũng đang quy tụ được một đội ngũ chuyên gia, bác sỹ, dược sỹ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và tận tâm với nghề. Chủ đầu tư đã đầu tư các thiết bị hiện đại phục vụ bệnh nhân như máy chụp CT Scanner 128 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla, hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA 2 bình diện… Đây đều là những máy móc có tính quyết định trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên khoa sâu, nhất là ung thư, hệ tim mạch và thần kinh.

Trong lĩnh vực dược, một số doanh nghiệp cũng đã tạo những uy tín nhất định trong và ngoài nước. Đơn cử như Dược Hậu Giang, là một doanh nghiệp có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước, sau khi cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty này đã phát triển khá mạnh. Cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang hiện ở mức giá rất cao, tới trên 130.000 đồng/cổ phiếu và là một trong những cổ phiếu có giá cao nhất thị trường chứng khoán.

Những diễn biến trên thị trường y dược hiện nay cho thấy, ngành y dược tư nhân cần có một cuộc “đại phẫu” để tái cơ cấu tổng thể theo hướng hợp nhất những cơ sở nhỏ thành những bệnh viện tư nhân và doanh nghiệp y dược lớn, có năng lực quản lý và khả năng phát triển cao về chuyên môn. Có như vậy, “nút thắt” trong xã hội hóa y tế mới có thể khơi thông và huy động có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Du lịch khám chữa bệnh: Mảnh đất hoang màu mỡ?
Trong khi thị trường du lịch khám chữa bệnh trên thế giới không ngừng phát triển, thì tại Việt Nam, mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư